Trả lời bạn xem truyền hình ngày 01/04/2025

Thứ 3, 01.04.2025 | 00:00:00
206 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Nguyễn Trung Anh trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: thủ tục đăng ký, quản lý cư trú cho công dân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Nghị định 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024 có hiệu lực, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trong đó, hướng dẫn thủ tục đăng ký, quản lý cư trú cho công dân. Cụ thể: 

- Trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.

- Trường hợp đăng ký thường trú theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.

- Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

- Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

- Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú; người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.

- Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú đối với trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài nơi cư trú đã đăng ký, khai báo theo quy định của Luật Cư trú. Trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Công dân đăng ký tạm trú về với hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú khi chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Khi hết thời hạn tạm trú, đại diện thành viên hộ gia đình được kê khai, đăng ký gia hạn tạm trú cho bản thân hoặc các thành viên khác trong hộ gia đình khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

- Cơ quan đăng ký cư trú giải quyết thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc thủ tục khác về cư trú nhưng không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú thì phải hủy kết quả đã giải quyết, phục hồi lại trạng thái, thông tin cư trú trước đây và thông báo bằng văn bản cho người đã đăng ký, nêu rõ lý do.

- Trường hợp công dân có nơi thường trú, nơi tạm trú và đã bị xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú nhưng không xác định được nơi hiện đang cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú nơi đã xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú có trách nhiệm tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý cư trú đối với những trường hợp này.

- Xác nhận về điều kiện diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ; nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định tại điểm i khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định này.


Câu 2. Ông Lương Minh Phúc trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Kinh doanh trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh không đúng với những nội dung đã đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong các trường hợp yêu cầu phải có giấy phép.

Theo đó, Tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh tại Điều 6 như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;

- Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;

- Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;

- Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra còn hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng, Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.


Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của những ông (bà) có tên sau:

1. Bà Cao Thị Đông, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn kiến nghị về việc thu hồi đất, di chuyển đến nơi ở khác để thực hiện dự án mở rộng và xây dựng mới Nhà văn hóa khối 6, phương Đông kinh. 

Trong nội dung đơn của bà phần nơi gửi đã gửi đến những cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

2. Các hộ dân trú tại ngõ 316 đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn yêu cầu xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ dân.

Trong nội dung đơn của các hộ dân phần nơi gửi đã gửi đến những cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

  • Từ khóa