Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: Góp phần phòng ngừa bệnh dại

Thứ 5, 01.08.2024 | 08:43:32
498 lượt xem

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng vùng an toàn bệnh dại. Qua đó, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Những năm vừa qua, tình hình bệnh dại trên cả nước diễn biến phức tạp, trong đó, trên địa bàn tỉnh, bệnh dại cũng vẫn xảy ra. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó, mèo nuôi chưa được triệt để, tình trạng thả rông, không tiềm phòng cho chó, mèo vẫn còn phổ biến.

Để giảm thiểu bệnh dại và nguy cơ tử vong do bệnh dại, năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện thí điểm xây dựng vùng an toàn bệnh dại chó, mèo tại phường Tam Thanh và phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn). Theo đó, để đạt được giấy chứng nhận vùng an toàn bệnh dại, các địa điểm được lựa chọn thí điểm cần lập danh sách hộ nuôi chó, mèo hoặc sổ quản lý nuôi chó, mèo; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo đạt từ 70 - 80%/năm và không phát sinh ca bệnh dại trên chó, mèo. Hết năm 2021, phường Hoàng Văn Thụ đã được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn.

Cán bộ thú y tiêm vắc - xin phòng dại cho chó của hộ dân trên địa bàn thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng

Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12 ngày 17/1/2022 về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, trong đó, mục tiêu mỗi năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng ít nhất 1 vùng an toàn bệnh dại chó, mèo; sau đó, các huyện, thành phố khảo sát tùy vào điều kiện thực tế ở các xã, phường, thị trấn để áp dụng, nhân rộng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại chó, mèo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ưu tiên lựa chọn các địa bàn có số lượng đàn chó, mèo lớn, các điểm đông dân cư để xây dựng vùng an toàn bệnh dại. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện bao gồm: vắc - xin tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; mở các lớp tập huấn hướng dẫn phòng chống bệnh dại cho người nuôi chó, mèo; lấy mẫu huyết thanh, kiểm tra định lượng kháng thể sau tiêm phòng vắc - xin dại ở chó, mèo...

Ông Trần Tiến Công, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2021, thực hiện mô hình xây dựng vùng an toàn bệnh dại, chúng tôi đã rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo nuôi trong từng hộ gia đình, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo.

Đồng thời, người dân trên địa bàn phường được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ việc tiêm vắc – xin phòng dại, thực hiện lấy mẫu kháng thể sau tiêm. Đến năm 2022, phường Tam Thanh đã được chi cục cấp giấy chứng nhận vùng an toàn bệnh dại. Từ đó đến nay, nhận thức về phòng, chống bệnh dại của người dân được nâng cao; hằng năm, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo ở phường đều đạt trên 80% tổng đàn trở lên và không có bệnh dại xảy ra. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn phường đã có 540/630 con chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại (đạt 85,7%).

Bà Ma Thị Huyền, khối 6, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi xây dựng vùng an toàn bệnh dại, tôi đã được tuyên truyền và nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh dại. Do vậy, hằng năm, tôi thường chủ động khai báo, quản lý chó nuôi và tiêm phòng vắc – xin dại cho chó đầy đủ.

Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các đơn vị xây dựng, cấp giấy chứng nhận vùng an toàn bệnh dại cho phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn); thị trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn); thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định).

Nhờ xây dựng các vùng an toàn bệnh dại, những năm qua, tại các vùng trên, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vắc-xin dại và tỷ lệ mẫu có kháng thể sau tiêm phòng đều đạt trên 90% và không xảy ra bệnh dại.

Ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các địa điểm sau khi được chứng nhận vùng an toàn bệnh dại, chi cục đều thực hiện giám sát để duy trì. Trong năm 2024, đơn vị tiếp tục xây dựng 2 vùng an toàn bệnh dại tại thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng) và thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan), thời điểm này, chi cục đã thực hiện xong công tác tiêm phòng và lấy mẫu kháng thể sau tiêm.

Nhận thấy hiệu quả, sau khi được cấp giấy chứng nhận vùng an toàn bệnh dại đã có huyện Tràng Định hiện nhân rộng, xây dựng vùng an toàn bệnh dại chó, mèo tại xã Đại Đồng. Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng vùng an toàn bệnh dại có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu phát sinh bệnh dại, bảo vệ sức khỏe người dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xay-dung-vung-an-toan-dich-benh-gop-phan-phong-ngua-benh-dai-5016648.html

  • Từ khóa