Xác định hồi là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia đã chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây hồi, hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn.
Chuyên gia cùng đoàn công tác của huyện Bình Gia khảo sát, đánh giá chất lượng vùng hồi tại xã Thiện Hoà, huyện Bình Gia
Huyện Bình Gia có hơn 94.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm trên 86% đất tự nhiên) là lợi thế rất lớn để phát triển cây hồi. Tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp, sản lượng hồi không ổn định, cùng với đó theo thời gian, diện tích hồi già cỗi, thoái hóa khá lớn, chính vì vậy việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân trồng mới, cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi được huyện quan tâm triển khai trong những năm gần đây.
Cải tạo chất lượng cây hồi
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 5 mô hình sản xuất hồi hữu cơ với tổng diện tích 141,9 ha, tại các xã: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Thiện Hòa.
Ông Lương Đình Chuyên, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.400 ha hồi. Năm 2020, người dân trên địa bàn xã tham gia mô hình sản xuất hồi hữu cơ với 37 ha và thành lập tổ hợp tác gồm 37 thành viên. Khi tham gia mô hình, các hộ đều được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đánh giá kết quả triển khai mô hình cho thấy, năng suất cây hồi được nâng lên rõ rệt, đạt 6 tấn/ha, gấp 3 lần so với trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống. Từ hiệu quả của mô hình, chính quyền xã tuyên truyền, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình. Theo đó, hiện nay, xã đã thành lập HTX Sản xuất hồi hữu cơ với 331 ha hồi được chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh phát triển sản xuất hồi hữu cơ, UBND huyện còn chỉ đạo phòng chuyên môn phối với các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở triển khai các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hồi. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 20 mô hình, dự án với tổng diện tích 524,6 ha. Cụ thể như mô hình ứng dụng và nhân rộng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 40 ha, tại các xã: Minh Khai, Quang Trung, Hồng Thái...; dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 484,6 ha, tại các xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Thiện Hòa, Thiện Thuật...
Ông Nông Ngọc Hậu, thôn Còn Tẩư, xã Tân Văn cho biết: Năm 2020, gia đình tôi tham gia mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương triển khai trên diện tích 1ha. Theo đó, tôi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồi như cách bón phân vi sinh, phun chế phẩm sinh học Bio... Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, diện tích hồi phát triển tốt hơn, cho năng suất cao và hạn chế được các bệnh thán thư, rụng lá... Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được trên 2 tấn hoa hồi tươi, mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm (tăng 70% so với khi chưa áp dụng kỹ thuật).
Ông Lương Ngọc Toản, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai các mô hình; phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương hỗ trợ các hộ trồng hồi tham gia dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi... Nhờ đó, các dự án cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi đều thành công, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trọng việc nâng cao chất lượng hồi nói chung của huyện.
"Huyện Bình Gia có nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế từ cây hồi, chính vì vậy, việc quan tâm cải tạo, nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích hồi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Vừa qua, chính quyền huyện đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương thực hiện thành công mô hình “Ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi”, qua đó đã thu được kết quả tốt, cây hồi khi thực hiện chăm sóc theo quy trình phát triển xanh tốt, tỷ lệ ra hoa, quả đã tăng từ 80% trở lên, cá biệt có những cây tăng năng suất đến 200%. Đây là tiền đề quan trọng để huyện triển khai toàn diện việc cải tạo, nâng cao chất lượng hồi trên địa bàn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững đã đề ra. Thời gian tới, huyện Bình Gia nên tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng mới thay thế các diện tích rừng hồi già cỗi; mở rộng diện tích hồi hữu cơ; nhất là từng bước hướng đến sản xuất hồi theo chuỗi giá trị để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế do cây hồi mang lại". Tiến sỹ Bùi Văn Dũng, Viện Bảo vệ thực vật Trung ương |
Nâng cao giá trị kinh tế
Song song với việc cải tạo chất lượng cây hồi, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân quan tâm mở rộng diện tích, trồng mới thay thế các diện tích rừng hồi già cỗi, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Điển hình như cuối năm 2023, huyện triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây hồi tại xã Quang Trung với tổng diện tích 46,6 ha, gồm 31 hộ tham gia; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hồi quế thạch Bình Gia ký kết hợp đồng bao tiêu với các hộ dân tham gia thực hiện dự án.
Theo đó, các hộ dân tham gia được hỗ trợ cây giống để trồng mới 15,5 ha; vật tư để chăm sóc diện tích đã có. Sau hơn nửa năm triển khai mô hình, cây hồi trong chuỗi giá trị phát triển tốt, đối với diện tích hồi có sẵn, chất lượng và năng suất được nâng lên, tỉ lệ ra hoa tăng từ 30 – 40% so với trước đây. Hiện đang chuẩn bước vào vụ thu hoạch hồi, dự ước sản lượng hồi đạt khoảng 6 tấn/ha, gấp 3 lần so với thời điểm chưa tham gia chuỗi giá trị.
Cùng với đó, năm 2024, UBND huyện Bình Gia tiếp tục ban hành Kế hoạch 97 ngày 26/3/2024 về trồng mới thay thế, cải tạo, xây dựng mô hình mở rộng diện tích hồi hữu cơ, xây dựng mô hình trình diễn trên địa bàn huyện Bình Gia. Kế hoạch được các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai và đã lựa chọn 12 mô hình để xây dựng thành mô hình trình diễn nhân rộng trên toàn huyện.
Đồng thời, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác tuyên truyền để người dân quan tâm, phát triển kinh tế từ cây hồi cũng được huyện đẩy mạnh. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện xây dựng 8 tin, bài với nội dung về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồi và các biện pháp kỹ thuật áp dụng để tuyên truyền đều đặn hằng tuần trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; chỉ đạo tất cả các xã trồng hồi tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn phổ biến việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hồi, theo đó các xã đều đã tổ chức được từ 1 đến 2 hội nghị tuyên truyền...
Với đồng bộ các giải pháp, chất lượng cây hồi của huyện Bình Gia ngày một nâng cao, diện tích rừng hồi tăng đều theo từng năm gần đây. Hiện nay, toàn huyện có gần 11.500 ha hồi (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2022). Trong đó, diện tích hồi có năng suất ổn định, chất lượng cao chiếm chủ yếu với 9.961 ha, hơn 400 ha diện tích hồi mới cho thu hoạch; chỉ còn khoảng 1.107,3 ha diện tích hồi già cỗi đang được huyện tuyên truyền, vận động người dân từng bước cải tạo, trồng mới thay thế. Sản lượng hồi khô của huyện cũng tăng dần hằng năm, nếu như giai đoạn 2020 – 2022, sản lượng hồi khô bình quân toàn huyện khoảng 2.500 tấn, cho doanh thu từ 250 – 350 tỷ đồng, thì đến năm 2023, sản lượng hồi khô toàn huyện đạt hơn 5.000 tấn, cho doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời, chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của từng xã để triển khai mô hình phát triển cây hồi phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm giúp huyện trong việc kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hồi của huyện.
Giá trị, tiềm năng kinh tế mà cây hồi mang lại rất lớn và sự quan tâm, chỉ đạo trong việc phát triển cây hồi của huyện Bình Gia cũng rất rõ ràng. Với lộ trình này, Bình Gia đang trở thành vùng nguyên liệu hồi lớn, cùng với các huyện trồng hồi của tỉnh tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu hồi Xứ Lạng đến thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/binh-gia-nang-cao-chat-luong-phat-trien-vung-nguyen-lieu-hoi-5017144.html