Giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản Trung Quốc

Thứ 3, 13.08.2024 | 00:00:00
493 lượt xem

Trung Quốc hiện vẫn là một trong ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh MINH HÀ)

Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, các mặt hàng nông, thủy sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có sự tăng, giảm không đều. Để cải thiện điều này, các doanh nghiệp cần tìm ra lợi thế cạnh tranh để tăng kim ngạch từ nay đến cuối năm 2024.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu hơn 109,85 nghìn tấn cà-phê, trị giá 490 triệu USD, tăng 155,1% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 9,78 nghìn tấn, trị giá 31,63 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 80,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 18,18% (trong 5 tháng đầu năm 2023) xuống 8,91% (trong 5 tháng đầu năm 2024). Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng ghi nhận sụt giảm trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ đạt 203.000 tấn, giảm 67,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với mặt hàng thủy sản, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 690 triệu USD, tăng 8,4%. Trong đó, cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 35% với hơn 243 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là tôm hùm với gần 122 triệu USD, tăng 174% và chiếm gần 18% giá trị xuất khẩu thủy sản.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số một của cá tra Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 317 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Thị trường này tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn, hơn 1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.

Đại diện Công ty cổ phần Nam Việt cho biết: Triển vọng đơn hàng nửa cuối năm nay đang tích cực hơn so với nửa đầu năm khi sức mua tại Trung Quốc dần hồi phục. Công ty đã mở rộng tệp khách hàng ở Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải.

Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, công ty đưa ra dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng nhu cầu cao tại Trung Quốc. Ngoài ra, với lợi thế tự chủ 100% cá nguyên liệu, công ty đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt cá tra cỡ lớn (1,5-2 kg). Đây là cỡ cá được ưa chuộng ở Trung Quốc cho nên cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu là rất lớn.

Chuyên gia thị trường tôm (VASEP) Phùng Thị Kim Thu cho biết: Nửa đầu năm 2024, người Trung Quốc cắt giảm tiêu dùng mặt hàng tôm. Mặc dù con số lũy kế vẫn tăng, nhưng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm dần trong 4 tháng đầu năm, sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân do giá tôm của Việt Nam cao, khó cạnh tranh với các nguồn cung của các quốc gia khác và nguồn cung nội địa Trung Quốc.

“Trước thực tế đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm ra lợi thế cạnh tranh để tăng trưởng. Thí dụ như lợi thế tôm giá rẻ vẫn đang thuộc về Ecuador, nhưng tôm Việt Nam sau khi chế biến luôn có mầu đỏ tươi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Đây chính là điều mà tôm Ecuador khó đáp ứng được do họ chỉ nuôi ao đất, sau khi chế biến tôm chỉ có mầu đỏ nhạt.

Tiếp nữa hiện thị trường này có nhu cầu cao về tôm cỡ nhỏ, phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam trong khi các nước khác không cung cấp được nhiều mặt hàng này”, bà Thu thông tin thêm.

Ngoài thủy sản, rau quả vẫn là ngành hàng có khả năng tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thuận lợi hơn khi chi phí logistics rẻ.

Đối với trái sầu riêng, Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu khi mã số vùng trồng nửa đầu năm nay đã tăng khá nhiều, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tại Trung Quốc, năm nay là năm thứ hai sầu riêng Hải Nam được tung ra thị trường với quy mô lớn, sản lượng tăng đáng kể và thời gian bán ra thị trường sớm hơn một tháng so với năm ngoái. Quy mô trồng sầu riêng ở Hải Nam được dự báo sẽ tăng lên khoảng 6.667 ha trong vòng 3-5 năm tới.

Sầu riêng Hải Nam nở hoa vào tháng 3, được đưa ra thị trường từ cuối tháng 5, thời điểm chín trên diện rộng vào giữa tháng 6 và sẽ cho thu hoạch đến tháng 9. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những thông tin này để điều chỉnh nguồn hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/giu-vung-thi-truong-xuat-khau-nong-san-trung-quoc-post824001.html

  • Từ khóa