Những năm qua, Ninh Bình là một trong những tỉnh phát triển nhanh, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hoàn thành vượt mức kế hoạch, đạt từ 8% trở lên (chỉ tiêu đề ra là 7,6%). Đây là thách thức lớn cho Ninh Bình nhưng khẳng định quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong hành trình thực hiện khát vọng đưa Ninh Bình thành tỉnh khá tại khu vực Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
6 tháng, tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 12 cả nước
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình gặp không ít khó khăn do tác động tình hình kinh tế chung của thế giới và trong nước. Trong bối cảnh đó, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 8,19%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Ninh Bình vẫn có sự tăng trưởng bền vững, thể hiện rõ nét qua việc từ năm 2022, Ninh Bình trở thành một trong 16 địa phương tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (tại Ninh Bình). |
Đáng chú ý, Ninh Bình đã thực hiện tốt quản trị mục tiêu trung hạn và dài hạn theo hướng lấy phát triển công nghiệp hiện đại, xanh, giá trị gia tăng cao làm động lực, lấy du lịch làm mũi nhọn, lấy phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm hướng ưu tiên. Trong đó, ngành du lịch của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ, hàng loạt sự kiện văn hóa, chính trị, hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế như: Kỷ niệm 1.100 năm Ngày sinh Vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024; kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... đã góp phần quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc độc đáo, riêng có của Ninh Bình, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 6,2 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 83,5% kế hoạch năm, doanh thu đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8% trở lên
6 tháng cuối năm 2024, dự báo kinh tế Ninh Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực; một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm... Song, Ninh Bình quyết tâm đặt mục tiêu cao, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8% trở lên (chỉ tiêu đề ra là 7,6%). Đây là thách thức lớn nhưng thể hiện tinh thần không chùn bước trước khó khăn, thách thức... của tỉnh; đồng thời cũng là động lực tạo ra những bứt phá mạnh mẽ, góp phần đưa Ninh Bình thành tỉnh khá tại khu vực Đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, Ninh Bình kiên định với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 8% trở lên. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Ninh Bình tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung phát triển các ngành dịch vụ thế mạnh của địa phương gắn với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm... Đặc biệt, mới đây, quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Từ đó mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới.
Năm 2024 là thời điểm Ninh Bình tăng tốc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra. Trước những thuận lợi, khó khăn và dự báo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai có hiệu quả những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ninh-binh-vuot-thach-thuc-tao-but-pha-790329