RDP của Rạng Đông hôm nay bất ngờ giảm sàn, mất hơn 52% về thị giá trong vòng 3 tháng qua. DQC của Điện Quang vẫn tăng sau khi doanh nghiệp bị HoSE nhắc nhở chậm công bố thông tin.
Với những nỗ lực cuối phiên chiều, VN-Index đóng cửa phiên 23/8 tăng 2,54 điểm tương ứng 0,2% lên 1.285,32 điểm. Như vậy, chỉ số vẫn kiên trì tiến về phía trước dù áp lực bán vẫn hiện diện khá rõ rệt tại phần lớn cổ phiếu trên sàn. HNX-Index tăng 1,6 điểm tương ứng 0,67% và UPCoM-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,09%.
HoSE rơi vào tình huống "xanh vỏ đỏ lòng" do chỉ số tăng nhưng độ rộng thị trường lại nghiêng về phía các mã giảm giá. Có 212 mã giảm trên HoSE so với 172 mã tăng. HNX cũng tương tự khi có 75 mã giảm, 74 mã tăng; UPCoM thì ngược lại với 156 mã giảm, 164 mã tăng.
Thanh khoản thị trường khiêm tốn. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 724,87 triệu cổ phiếu tương ứng 16.839,31 tỷ đồng; HNX có 64,91 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.205,61 tỷ đồng và trên UPCoM là 44,76 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 511,42 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường phiên cuối tuần (Nguồn: VNDS).
Đóng cửa phiên chiều nay, sàn HoSE có 3 mã giảm sàn là LEC, APH và RDP. Trong đó APH khớp lệnh 10 triệu đơn vị, trắng bên mua. Cổ phiếu RDP của Rạng Đông những tưởng đã thoát nạn sau chuỗi bán giải chấp đối với ông Hồ Đức Lam thì hôm nay lại quay đầu trở lại trạng thái giảm sàn, khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị, tăng vọt so với những phiên gần đây. Mặc dù RDP hồi phục hơn 7% so với đầu tháng 8 nhưng vẫn giảm hơn 52% trong vòng 3 tháng qua.
Theo báo cáo quản trị bán niên của Rạng Đông, tại ngày 30/6, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty - sở hữu 7,79 triệu cổ phiếu RDP, chiếm tỷ lệ 15,87% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, sở hữu của ông Hồ Đức Lam tại công ty đã giảm đáng kể do bị bán giải chấp. Phiên 1/8 có 1,17 triệu cổ phiếu RDP thuộc sở hữu của ông Lam bị bán giải chấp, chiếm tỷ lệ 2,39% tổng cổ phiếu đang lưu hành.
Qua đó, sở hữu của ông Hồ Đức Lam tại Rạng Đông còn 2,99 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 6,09% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ông Lam có đến 16 lần bị bán giải chấp từ đầu năm, tỷ lệ nắm giữ giảm sốc từ mức 45,04% xuống còn mức hiện tại.
Bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn giữ nguyên mức nắm giữ khiêm tốn ở doanh nghiệp này là 16.509 đơn vị, chiếm tỷ lệ 0,03%. Ngoài ra, bà Thoa cũng đang có 6.415 cổ phiếu DQC tại Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang, chiếm tỷ lệ 0,02%.
Mới đây, Tập đoàn Điện Quang bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) nhắc nhở chậm công bố thông tin. Cụ thể, ngày 19/3, công ty có nghị quyết HĐQT về việc chấm dứt hoạt động đối với địa điểm kinh doanh, chi nhánh và văn phòng đại diện. Tuy nhiên, tới ngày 19/8, HoSE mới nhận được văn bản công bố thông tin của Điện Quang.
Theo quy định, Điện Quang phải công bố thông tin đối với nội dung này trong vòng 24 giờ kể từ khi sự kiện xảy ra. HoSE nhắc nhở công ty nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán phiên hôm nay, DQC có diễn biến khá tích cực khi đóng cửa tăng 1,47% lên 13.850 đồng.
Chỉ số VN-Index được hỗ trợ đáng kể bởi các cổ phiếu lớn như GVR, HPG, CTG, VNM, BID, BVH. Phiên này GVR tăng 1,9%; SSI tăng 1,5%; HPG tăng 1,2%: CTG tăng 1%; VNM tăng 0,9%...
Biên độ dao động của các cổ phiếu ngân hàng tương đối hẹp do đó mức độ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu không lớn.
Tại nhóm bất động sản, SGR tăng 5,4%; CCL tăng 3,6%; NVL tăng 2,3%; ITC tăng 2,2%; DIG tăng 1,4%; ngược lại LEC giảm sàn, FDC giảm 4,5%; FIR giảm 1,9%; ITA giảm 1,8%; LDG giảm 1,5%; QCG giảm 1,4%.
Cổ phiếu ngành thủy sản có diễn biến khá tích cực với VHC tăng 2,5%; CMX tăng 1,3%; ANV và IDI đều tăng giá.
Theo dantri.com.vn