Phát triển nghề truyền thống: Góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn

Thứ 5, 29.08.2024 | 15:15:08
646 lượt xem

Tuy chưa có làng nghề nào được công nhận theo quy định, nhưng Lạng Sơn có khá nhiều nghề truyền thống đặc trưng. Những nghề này lâu nay đã và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đối chiếu các tiêu chí quy định tại Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 nghề truyền thống và 10 làng nghề nhưng chưa được công nhận. Các nghề truyền thống chủ yếu gồm: chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, thêu ren... Trong đó, một số nghề đã và đang được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn lâu dài hướng đến phát triển đủ điều kiện công nhận là làng nghề như: nghề làm cao khô xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng và tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan; nghề đan lồng chim xã Chiến Thắng và xã Vân An, huyện Chi Lăng; nghề nấu rượu men lá theo phương pháp thủ công tại xã Công Sơn và xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc...

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Công Sơn, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc kiểm tra chất lượng men lá trước khi ủ men

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Công Sơn, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc kiểm tra chất lượng men lá trước khi ủ men

Với quá trình hình thành, phát triển lâu đời, mang nhiều giá trị về văn hóa - xã hội, các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn được người dân duy trì, phát triển. Đơn cử, thời gian qua, các cơ sở làm ngói máng tại xã Bắc Quỳnh và xã Long Đống, huyện Bắc Sơn luôn duy trì hoạt động nghề làm ngói máng truyền thống.

Anh Hoàng Công Hưng, thôn Long Hưng, xã Long Đống cho biết: Gia đình tôi có nhiều thế hệ làm ngói máng. Để phát triển nghề truyền thống của gia đình, tôi đã đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất với diện tích khoảng 3.000 m2 và xây dựng 2 lò nung công nghệ mới, kho bãi tập kết... Hiện nay, sản phẩm ngói máng của gia đình không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Lào Cai, Sơn La, Khánh Hòa... Trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán khoảng 100.000 viên ngói, với mức giá 1.800 đồng/viên, cho doanh thu 180 triệu đồng/tháng (chưa trừ chi phí); tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 7–8 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với sự chủ động của người dân, thời gian qua, các ngành liên quan, các huyện, thành phố có nghề truyền thống cũng quan tâm hỗ trợ công tác bảo tồn, duy trì các làng nghề bằng nhiều biện pháp thiết thực như: tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì sản xuất; hỗ trợ các làng có nghề truyền thống xây dựng thương hiệu sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm; tư vấn, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm...

Điển hình như tại huyện Chi Lăng, công tác hỗ trợ phát triển nghề truyền thống được các cấp chính quyền huyện quan tâm: Ông Vy Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Huyện hiện có 3 nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển nghề truyền thống như: tư vấn, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, hướng dẫn xây dựng và đăng ký tem nhãn sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm qua các chương trình OCOP, nhãn hiệu tập thể... Qua đó, góp phần giúp các nghề truyền thống được duy trì, phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bà Triệu Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 200 hộ sản xuất cao khô thương phẩm. Những năm qua, với sự định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân tập trung sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Theo đó, năm 2018, sản phẩm cao khô Vạn Linh đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể; năm 2021, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm, giá trị kinh tế từ sản xuất cao khô đạt trên 34 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 600 lao động với mức thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/người/ tháng. Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay lên 47,25 triệu đồng/người/ năm.

Không chỉ nghề làm ngói máng hay sản xuất cao khô, thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự chủ động của người dân trong việc duy trì, phát triển sản xuất, các sản phẩm từ nghề truyền thống của tỉnh đã dần xây dựng được thương hiệu trên thị trường và được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước như: bánh khảo, bánh phồng huyện Tràng Định; sản phẩm dệt thổ cẩm ở thôn Co Cam, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc...

Các nghề truyền thống đã tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân ngày một tăng, có những nghề cho thu nhập khá cao như: nghề nấu rượu xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng; nghề sản xuất mâm trúc ở thôn Pò Noi, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định cho thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng...

Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát, thực hiện quy trình công nhận ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống để công nhận khi đủ điều kiện theo quy định; xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các chương trình, đề án bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, trong đó tập trung đẩy mạnh khôi phục và phát triển các nghề, làng có nghề truyền thống của địa phương có chiều hướng bị mai một. Đồng thời, tạo điều kiện từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đối với các làng nghề thủ công truyền thống để cải tiến, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm...

Việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp người dân phát triển sản xuất, mang lại thu nhập, ổn định đời sống mà còn góp phần giúp người dân tận dụng tốt thời gian lao động nhàn rỗi, khắc phục được tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó, góp phần phân bổ hợp lý lực lượng lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo  động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.

Theo kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đề ra đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn bảo tồn phát triển 4 làng nghề gắn với du lịch gồm: làng nghề dệt vải, nhuộm chàm tại xã Quang Trung, huyện Bình Gia gắn với điểm du lịch thác nước Đăng Mò, làng du lịch cộng đồng Mông Ân, thác nước Thang Sao; làng nghề đan quạt nan tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia gắn với du lịch Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Lễ hội Phài Lừa; làng nghề nấu rượu tại các xã, thị trấn thuộc huyện Lộc.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phat-trien-nghe-truyen-thong-thuc-day-kinh-te-nong-thon-5019595.html

  • Từ khóa