Sau mùa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, QCG của Quốc Cường Gia Lai và một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp trên HoSE nhận tin bất lợi.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa thông báo danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cấp margin).
Theo đó, trong danh sách margin lần này có loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp "có tiếng" trên thị trường. Ví dụ, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên là số âm.
Cụ thể, theo báo cáo bán niên hợp nhất đã được soát xét của Quốc Cường Gia Lai, nửa đầu năm nay công ty lỗ sau thuế 16,62 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức 13,67 tỷ đồng của cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 15,05 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: C-Holding).
Ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cho biết, thị trường bất động sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, nửa đầu năm là mùa khô dẫn đến các nhà máy thủy điện của công ty không đủ nước để phát điện nên sản lượng điện khai thác còn thấp.
Cùng với đó, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 nên doanh thu chưa nhiều. Chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác dẫn đến giá vốn so với doanh thu tăng cao nên lợi nhuận sau thuế là số âm.
Ông cũng đề cập đến vấn đề khác trong báo cáo soát xét bán niên, đó là ngày 11/4, TAND TPHCM đã ra bản án sơ thẩm số 157 buộc Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island là 2.882,8 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Nếu hoàn trả đủ thì sẽ nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.
Ngày 23/4, công ty đã có đơn kháng cáo gửi đến TAND TPHCM với nội dung kháng nghị TAND TPHCM chấp thuận cho công ty chỉ hoàn trả lại số tiền 1.441,1 tỷ đồng để bảo đảm số tiền thi hành án theo tinh thần Hội đồng trọng tài VIAC đã tuyên.
Cũng đợt này, cổ phiếu TMT của Công ty cổ phần Ô tô TMT bị HoSE đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, lý do tương tự như trên. BCTC bán niên của TMT cho thấy, nửa đầu năm nay, công ty báo lỗ 98,97 tỷ đồng, trong đó, lỗ của công ty mẹ là 98,93 tỷ đồng (cùng kỳ công ty mẹ có lãi 1,36 tỷ đồng).
Tình hình thua lỗ đầu năm của Ô tô TMT đã cuốn trôi thành quả tích lũy trước đó, khiến lỗ lũy kế đến 30/6 là 46,08 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ô tô TMT, năm nay là năm rất khó khăn với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng tồn kho. Công ty này cũng không phải ngoại lệ.
Trong năm nay, để đảm bảo thanh khoản, giảm chi phí lãi vay, công ty phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến lợi nhuận gộp âm 48,7 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng xác định phải tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn.
Sau mùa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp khác cũng bị HoSE bổ sung vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do thua lỗ: FCM của Khoáng sản FECON, HAS của Hacisco, PGV của Tổng công ty Phát điện 3, SGR của Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn, EVE của Everpia, STK của Sợi Thế Kỷ và TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên.
Tính đến ngày 29/8, đã có 89 mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ do nhiều lý do. Trong số này, VTP của Viettel Post có thời gian niêm yết dưới 6 tháng; TDH của Phát triển Nhà Thủ Đức, RDP của Rạng Đông Holding, NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, ITA của Tân Tạo, thuộc diện cảnh báo; HVN của Vietnam Airlines thuộc diện hạn chế giao dịch và kiểm soát; HNG của HAGL Agrico bị kiểm soát; HAG của Hoàng Anh Gia Lai bị cảnh báo…
Theo dantri.com.vn