Tiếp sức doanh nghiệp bằng chính sách thuế

Thứ 3, 03.09.2024 | 08:45:10
425 lượt xem

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới đây và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025, dự kiến tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe nếu lạm dụng. Tuy vậy, bất kỳ chính sách nào khi được ban hành cần được đánh giá toàn diện trên nhiều khía cạnh.

24 ngành sẽ bị ảnh hưởng

Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng, trên cơ sở đó mới điều tiết sản xuất và hành vi tiêu dùng hướng tới bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng mới là thu ngân sách.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia liên tục từ năm 2026 và đến năm 2030 sẽ chịu thuế suất lên tới 100%.

Tiếp sức doanh nghiệp bằng chính sách thuế
 Người dân lựa chọn sản phẩm đồ uống tại cửa hàng tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Trao đổi tại tọa đàm “Chính sách thuế hướng tới khoan sức doanh nghiệp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, các ý kiến chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là chính sách thuế đừng chỉ nhằm đạt được một mục tiêu hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, mà còn phải để doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách hợp lý. Đó cũng là cách để khoan sức doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.

Để có cơ sở khoa học cho việc tăng thuế lần này, các đại biểu kiến nghị cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng; từ đó làm cơ sở tính toán mức tăng cũng như lộ trình tăng cho phù hợp.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ quan điểm, bất kỳ chính sách nào khi được ban hành cần được đánh giá toàn diện trên nhiều khía cạnh. Song với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, việc đánh giá tác động còn khá sơ sài, chưa nêu rõ được tác động thực sự của quy định đưa ra.

Tiếp sức doanh nghiệp bằng chính sách thuế
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cần có đánh giá tác động kỹ hơn của dự thảo luật.

Bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho biết, qua khảo sát sơ bộ, việc tăng thuế này có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra được đánh giá tác động của việc tăng thuế tới các ngành kinh tế khác, bao gồm cả dịch vụ lưu trú, ăn uống, bao bì,… Do đó, cần có đánh giá toàn diện việc tăng thuế này vì không chỉ tác động tới ngành rượu, bia mà còn cả các ngành khác trong nền kinh tế.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Minh Thảo, các nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào đó tại Việt Nam, họ thường có tầm nhìn dài hạn, lên tới vài chục năm. Vì thế, nếu chính sách thay đổi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong ngành hàng đó, mà còn khiến nhà đầu tư trong ngành hàng khác nhìn vào và lo ngại về rủi ro chính sách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của nền kinh tế. Vì thế, việc đánh giá tác động toàn diện để đưa ra chính sách hợp lý còn nhằm củng cố tâm lý, niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Đánh giá tác động không chỉ với đối tượng trực tiếp mà cả các đối tượng gián tiếp

Chia sẻ với ý kiến trên, chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, nhìn tổng thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và theo xu hướng chung. Việc đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối cũng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Vì vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, sản phẩm bia và rượu khác nhau nên kịch bản cần đánh thuế cần khác nhau. Mẫu số chung là phải đặt mục tiêu doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp lý.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lộ trình đánh thuế theo hướng kéo giãn hơn so với đề xuất như dự thảo luật. Đó là nên bắt đầu từ sau năm 2026, để doanh nghiệp có thời gian thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với chính sách thuế mới.

Tiếp sức doanh nghiệp bằng chính sách thuế
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu nêu quan điểm về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Các nhà máy sản xuất đồ uống được phân bổ hầu khắp cả nước, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước, với hơn 60.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, ngành còn tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp trong các nhà máy cũng như trong các chuỗi ngành hàng có liên quan (logistics, dịch vụ…).

Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đã phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, thay đổi cấu trúc để thích ứng với điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc đánh thuế lên tới 100% đến năm 2030 là một mức thuế suất rất lớn, doanh nghiệp rất bất ngờ và chưa đánh giá hết tác động của đề xuất này.

Trong bối cảnh đó, đại diện doanh nghiệp mong muốn cơ quan soạn thảo, cùng với hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, tổ chức như Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nghiên cứu để đánh giá tác động định lượng khi điều chỉnh tăng thuế này, không chỉ với đối tượng trực tiếp mà cả các đối tượng gián tiếp.

Hiện, Nhà nước đang có nhiều công cụ để điều tiết quản lý đối với rượu, bia, gồm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… Các đại biểu đề nghị, cần có thêm các biện pháp bổ sung, trong đó tăng cường tuyên truyền là giải pháp đặc biệt quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của rượu, bia nếu lạm dụng, qua đó sẽ tự điều tiết hành vi tiêu dùng nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiep-suc-doanh-nghiep-bang-chinh-sach-thue-792110

  • Từ khóa