Mùa vàng Chi Lăng

Thứ 4, 04.09.2024 | 09:01:52
535 lượt xem

Chớm Thu đúng thời điểm quả na ở huyện Chi Lăng chín rộ cho trái căng tròn, mắt na to hồng, cành lá xanh tươi, tỏa hương dịu ngọt. Từ thu nhập na, đời sống Nhân dân địa phương được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Người Chi Lăng cho rằng, đó là mùa vàng ấm no…

Chớm Thu đúng thời điểm quả na ở huyện Chi Lăng chín rộ cho trái căng tròn, mắt na to hồng, cành lá xanh tươi, tỏa hương dịu ngọt. Từ thu nhập na, đời sống Nhân dân địa phương được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Người Chi Lăng cho rằng, đó là mùa vàng ấm no… 

Quảng bá, giới thiệu na Chi Lăng

Quảng bá, giới thiệu na Chi Lăng

Những ngày cuối tháng Tám, bầu trời Xứ Lạng có những cơn mưa bất chợt rồi lại rực nắng chan hòa. Những trái na lúc lỉu trên sườn núi Kai Kinh chín rất nhanh, nhiều quả chưa kịp hái đã tụt cuống rơi xuống đất. Người nông dân cũng vì thế vất vả, tất bật hơn với những trái na căng tròn.

Kai Kinh là dãy núi đá vôi sừng sững, hiểm trở từng bạt vía quân xâm lược. Tướng Liễu Thăng thời nhà Minh đã mất đầu trong trận đánh long trời lở đất ở cửa ải hiểm trở này. Năm tháng đi qua với bao thăng trầm, những ngách, vạt núi bỗng nảy hạt, đâm chồi lên những trái na ngọt thơm nức tiếng trong và ngoài nước.

Truyền thuyết quả quý

Gia đình tôi sinh sống tại phố núi Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) đến nay đã ba thế hệ. Những năm đầu 1950, bố mẹ tôi tìm đến một mảnh đất khô cằn ép vào dãy núi Kai Kinh để mưu sinh, trồng hái. Ban đầu là trồng rau ăn hàng ngày, sau thì trồng cây mận, cây chuối, cây đào đến khi có quả thì “giao lưu” với hàng xóm lấy bơ gạo, túi ngô…Ngày ấy, dân cư thưa thớt, thị trấn chỉ có chừng vài chục nóc nhà, sống rải rác chìm khuất giữa bạt ngàn cây rừng, đồi núi.

Nhà tôi có vườn gần một héc ta. Một hôm, bố tôi gọi mọi người đến một hốc đá rồi reo mừng bảo: “Hình như đây là cây na. Nghe người xưa nói lâu rồi mà bây giờ mới thấy”. Nói rồi, bố sai chúng tôi lấy chậu nước ra tưới, nhen lên hy vọng sẽ có quả ngọt.

Vào đầu hè, cây cao lớn trổ những bông hoa na ngát hương rồi đậu quả đầu mùa. Quả na căng tròn, đều các múi trắng hồng và năm đó, gia đình tôi thu hái được hơn chục quả. Bố chia cho mỗi người một quả và dặn khi ăn phải nhè hạt để làm giống. Tôi được phần quả to nhất. Tôi chạy vào trong buồng nhà, ngắm nhìn quả na, nâng niu nó và hít hà mùi thơm dịu nhẹ. Tôi chìm vào giấc ngủ trưa và bên tai văng vẳng câu chuyện mà hàng đêm bố kể cho tôi: “Ngày ấy, lâu lắm rồi, phố núi của tôi chưa thành tên gọi. Những người Tày, Nùng, Kinh ở mảnh đất Chi Lăng bỗng thấy trời quang, mây tạnh kèm theo là tiếng chim hót véo von. Một con chim lạ từ phương Nam bay tới. Nó có bộ lông đen tuyền, liệng từ đỉnh núi Kai Kinh xuống tìm đến hốc đá để nhả những hạt đen nhánh. Sau tiếng lanh lảnh, chim vụt bay vào đám mây trắng trên trời và cơn mưa chợt đến man mát. Từ những hốc đá bỗng bật lên mầm xanh mà sau này, người ta đặt tên là cây na...”

Quả thật, không ai có thể đoán chắc cây na xuất xứ từ đâu và có mặt tại phố núi quê tôi từ bao giờ. Nhưng gia đình tôi là một trong ba nhà có na đầu tiên ở Đồng Mỏ. Ngày đấy, toàn bộ quả đều là na bở. Các gia đình cho hạt lẫn nhau để trồng, phát triển thành vườn. Thủa ấy, thời bao cấp, mọi người trồng na để ăn là chính bởi loại quả này to, tròn, múi dày, ăn ngọt dịu, thơm, bổ dưỡng có thể ăn thay cơm…

Cây na bở có đặc tính thân mềm, mọc thẳng, quả thường mọc ở giữa hoặc đầu cành. Trái cây chín rất nhanh, nhất là đúng chính vụ, trời đất mưa nắng nhiều thì quả chín “tụt lõ”, nứt cuống rơi rụng đầy gốc cây. Các loài chim đến ăn, nhả hạt vương vãi dẫn đến na mọc thành từng vạt rừng.

Chuyện thu hái

Nhà tôi có bốn anh chị em. Vào vụ mùa, chúng tôi được đánh thức dậy từ khoảng 4 giờ sáng. Mẹ rang bát cơm với xì dầu thơm lựng mùi mỡ còn bố chuẩn bị sẵn làn, xào có móc, túi vải…Chúng tôi đeo, cầm dụng cụ hái na rồi ngược núi lên vườn. Cuộc hái lượm bắt đầu. Chúng tôi chia nhau ra để tìm quả chín. Nhưng cũng chẳng phải tìm vì quả mở mắt trắng hồng, quả nứt mắt, nứt cuống chi chít trước mặt và nhiều hơn cả là trên cành cao, các quả to hướng về phía mặt trời.

Ngày ấy, na mọc tự nhiên nên thân cao chót vót đến khoảng gần chục mét. Tôi trèo lên cây, hái túi bụi những quả chín, quả ương to đẹp cho vào túi vải, khi đầy thì tụt xuống gốc cho na vào làn rồi lại leo tiếp.

Mỗi ngày, chúng tôi hái na 2 lần vào buổi sáng và chiều. Buổi trưa thì tranh thủ đi mót na vì quả chín rất nhanh, nếu không kịp hái thì chim sẽ mổ ăn mất, mà loại chim rừng Đồng Mỏ rất tinh, nó chỉ nhắm đến những quả to, mắt hồng đẹp. Buổi tối, tôi được bố đưa cho lọ dầu gió để thoa lên những vết xước trên má vì trước đó do mải tìm na không để ý cành khô đâm vào mặt. Ăn tối xong, tôi và bố lại chuẩn bị đèn pin, chiếc gậy rồi xuyên qua bóng đêm trở lại khu vườn để trông na, canh trộm.

Trèo na độ chục hôm, hai gan bàn tay và chân tôi đỏ tấy sau đó chai sạn. Nhưng  đáng ngại hơn là loại muỗi rừng bay như ong vỡ tổ, bu kín người, nhất là những ngày ẩm ướt. Người như lên cơn sốt ban vì vết muỗi cắn chi chít, sau chúng bén hơi người bỏ đi, nhưng sự ngứa ngáy thì luôn thường trực.

Ngoài ra, những người hái na còn phải đối mặt với loài rắn xanh có màu giống y như lá na. Có những lúc tôi chuẩn bị hái được quả na to thì xuất hiện cái đầu con rắn ngóc lên, miệng phì nọc độc như tia chớp. Hoảng quá, tôi vội tụt xuống gốc cây, đành bỏ của để tránh xa loài rắn cực độc này.

Hái na bở ở Đồng Mỏ

Hái na bở ở Đồng Mỏ

Cây đẻ ra vàng

Từ chỗ chỉ có vài chục cây na, gia đình tôi đã vỡ đất, mở rộng diện tích lên các đỉnh núi Kai Kinh, đến nay có chừng 700 cây na. Vào những năm đầu thập kỷ 70, người miền xuôi đã dùng phương tiện xe khách, xe đạp lên Đồng Mỏ mua na chở về xuôi bán kiếm lời. Ngày ấy bán được tiền nên các hộ bán na rất phấn khởi ra sức chăm sóc, rẫy cỏ và trồng thêm na.

Sướng nhất là kết thúc mùa vụ, tôi được bố mẹ tin cậy cho ngồi bên chiếc mẹt rồi đổ tiền bán na từ hũ tiết kiệm ra phân loại, kiểm đếm tiền xu, tiền giấy…Nhờ bán na, một số gia đình xây được nhà kiên cố, trong đó có gia đình tôi dựng nhà gác lửng kiểu hai tầng từ cuối năm 1976, được coi là oai nhất phố núi Đồng Mỏ lúc bấy giờ.

Thế rồi, phong trào trồng na phát triển rộng khắp tại dãy núi Kai Kinh. Ở phía Nam của huyện Chi Lăng, một số người dân Hà Tây (cũ) đi xây dựng vùng kinh tế mới miền núi đã tìm cách lai ghép và tạo được loài na dai. Loại này thời gian chín lâu, mắt mịn, ăn sần sật, ngọt đậm và độ dai hơn na bở. Tuy thế, cả hai loại na đều cho hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, mát bổ nên được người tiêu dùng ưa thích.

Na Chi Lăng trở nên có thương hiệu, nổi tiếng khắp vùng. Khách trong nước, khách nước ngoài tìm đến tìm hiểu, đặt mua với số lượng lớn. Đồng bào các dân tộc huyện Chi Lăng học hỏi nhau để phát triển loài quả đặc sản này.

Từ chỗ chỉ có vài ba nhà có na bở ở thị trấn Đồng Mỏ thì nay cây đã trải dài khắp núi Kai Kinh, mỏm đồi chạy dọc Quốc lộ 1A. Quê tôi trở thành “thủ phủ” na nổi tiếng. Người dân đã biết cắt ngọn cây, tỉa cành và thụ phấn cho hoa để giúp cho việc thu hoạch không phải leo trèo, làm cho quả to đều và tạo na rải vụ.

Mỗi năm, người dân quê tôi lại đúc rút kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản phẩm na đa dạng, phong phú. Đến nay, Chi Lăng có tới 6 loại: na bở, na dai, na Thái Lan, na Đài Loan, na nữ hoàng, na sầu riêng.

Dịp nghỉ tết Độc lập 2/9 năm nay, tôi theo miền ký ức và tiếng gọi của trái cây đặc sản từ thành phố Lạng Sơn để trở về quê nhà. Trong lúc nhìn những quả na tấp nập được thương lái chọn mua, đóng gói vận chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ và những sản phẩm na được chuyển lên mạn Bắc xuất sang Trung Quốc mà lòng vui mừng khôn xiết.

Chung tâm trạng, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định na là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, Chi Lăng có 70% diện tích đất tự nhiên là núi đá vôi hiểm trở và đồi đất cằn cỗi, vậy mà người dân đã nỗ lực canh tác và phát triển thành công các vùng trồng na xanh tốt với tổng diện tích hơn 2.600 ha, và là địa bàn có diện tích na lớn nhất tỉnh. Năm nay na được mùa, sản lượng ước đạt trên 24.000 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2023; giá bán dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg, tương đương với giá bán của năm 2023. Mỗi năm, toàn huyện thu về khoảng 800 tỷ đồng/năm. Trong đó, nhiều hộ dân đã thu nhập khá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Bằng ý chí, nghị lực, sự sáng tạo cần cù chịu khó và khát vọng của mình, người dân Chi Lăng đã biến khó khăn thách thức thành cơ hội, bắt vị ngọt của trái na tuôn ra từ những vách đá trùng điệp thành vàng, thành bạc...

Tôi trở lại vườn na nhà nằm sát chợ Đồng Mỏ. Mọi người đang hối hả vặt quả, đóng gói, vận chuyển cho khách. Người nhà tôi cho biết, năm nay loại na bở truyền thống được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cao gấp đôi na dai, ví như quả to đẹp lại cận rằm có giá đến 80-100 nghìn đồng/kg mà còn “cháy hàng”.

Anh bạn đồng nghiệp cùng tôi ra chợ phiên dưới chân Đèo Bén để lùng na, mãi mới được 5kg. Theo hướng dẫn của người bán hàng, anh chuyển tiền qua mã quét QR, chứ không phải dùng từng xấp tiền lẻ, tiền xu như thời niên thiếu của tôi. Còn cháu gái tôi thì bán hàng qua mạng cứ tíu tít, sôi động. Tôi đi ngược lên núi Kai Kinh tìm về những vạt na xưa với bao kỷ niệm vui buồn, không thể nào quên…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/mua-vang-chi-lang-5018755.html

  • Từ khóa