Khát vọng khởi nghiệp xanh bền vững

Chủ nhật, 20.10.2024 | 08:51:22
134 lượt xem

Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 cho thấy sự nỗ lực, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và cống hiến của những người phụ nữ đã không ngại khó khăn, thử thách để xây dựng các dự án khởi nghiệp mang tính đột phá và tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là thành quả của sự cố gắng không ngừng, mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo, đổi mới và quyết tâm mạnh mẽ của hội viên, phụ nữ trong việc hướng tới những mô hình kinh doanh bền vững, thân thiện với môi

Sản phẩm của Hợp tác xã Thực phẩm xanh 43 Foods (thành phố Đà Nẵng) được các khách hàng lựa chọn.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hằng năm đã dần trở thành một diễn đàn lớn, một sân chơi bổ ích thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ.

Để những ý tưởng trở thành hiện thực

Câu chuyện "con cá trích" của chị Võ Thị Hạnh Dung, Giám đốc Hợp tác xã thực phẩm xanh 43Foods (thành phố Đà Nẵng) không chỉ là khát vọng khởi nghiệp, mà còn góp phần khôi phục phát triển làng nghề, hướng đến sự bền vững. Chị Hạnh Dung đang sống tại Nam Ô (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), nơi người dân gắn bó lâu đời với biển.

Với những sản vật từ biển cả mang lại, những chuyến tàu về tôm cá đầy khoang, những chum nước mắm truyền thống mà mỗi nhà ít nhiều cũng đều có; chi Dung lựa chọn cá trích để khởi nghiệp bởi đây là loài cá có chất dinh dưỡng cao, ngư dân vùng biển Nam Ô vẫn luôn đánh bắt được nhiều.

Tuy nhiên, do kén cách chế biến, cho nên cá chỉ luôn bán được với giá rẻ mang lại thu nhập không đáng được bao nhiêu. Sau nhiều lần tìm tòi các công thức và thử nghiệm, chị Hạnh Dung đã sử dụng cá trích cùng một số thành phần phù hợp để chế biến ra bộ sản phẩm: Hạt nêm, chà bông cá trích, nước mắm, gỏi cá trích và cá trích ngâm dầu.

Xác định lựa chọn con đường khởi nghiệp xanh để bền vững, do đó mọi quy trình tại hợp tác xã luôn được chị Hạnh Dung chú trọng bảo vệ môi trường và cả nguồn thủy sản. Bởi vậy, cá trích được sử dụng tất cả bộ phận, nước thải từ chế biến cũng được hợp tác xã của chị thu gom để làm chế phẩm sinh học tưới cho vườn rau, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Có những dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên đã cho thấy một sự chuyển đổi xanh rõ nét, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn là một thông điệp về cuộc sống, khát vọng vượt khó vươn lên của phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật, là ngọn lửa để lan tỏa nghị lực và niềm tin trong cuộc sống cho chị em.

Hiện nay, Hợp tác xã 43Foods đang bao tiêu cho 27 hộ dân đánh bắt thủy, hải sản chuyên về cá trích; mỗi năm, tiêu thụ khoảng 150 tấn cá của ngư dân để làm ra các sản phẩm. Cá chỉ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 7, những tháng còn lại là mùa cá sinh sản; vì vậy chị Hạnh Dung cũng cam kết cùng ngư dân không thu mua và không đánh bắt, tránh tình trạng tận thu nguồn thủy sản, bảo đảm môi trường an toàn cho cá sinh sản.

Những ngày qua, tâm trạng của chị Hạnh Dung vẫn còn hân hoan khi dự án "Nâng tầm giá trị cá trích Việt Nam-giải pháp kinh doanh bền vững" lọt vào chung kết toàn quốc và đoạt giải nhì trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh". "Tôi rất vui vì đã có thể đưa sản phẩm của mình tham dự cuộc thi này và mong rằng dự án của mình có thể lan tỏa tới mọi người", chị Hạnh Dung chia sẻ.

Đến với cuộc thi khởi nghiệp năm nay, cô gái Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), ẩn trong dáng người nhỏ bé nhưng lại mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn trong gây dựng, phục hồi vùng dược liệu quê hương, lan tỏa giá trị sản phẩm từ dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Với dự án "Ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ tạo năng lượng xanh", chị Bình cũng đã vinh dự nhận giải ba tại chung kết cuộc thi.

Biết được tác dụng của cây sâm bố chính có giá trị với sức khỏe của con người, chị Nguyễn Thị Bình đã cùng một số thầy thuốc tại địa phương nghiên cứu và phát triển loại sâm quý này.

"Người dân thường lên rừng để lấy dược liệu về làm thuốc nhưng qua thời gian, nguồn dược liệu cạn dần do khai thác mà không bảo tồn; điều này càng thôi thúc tôi xây dựng, phục hồi nguồn dược liệu bản địa, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được chú trọng cho nên tôi đã quyết định bắt đầu khởi nghiệp với sâm bố chính và các dược liệu", chị Bình cho biết.

Năm 2022, chị Nguyễn Thị Bình quyết định liên kết và thành lập Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc, với mong muốn mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương; đồng thời, có được những dược liệu an toàn, sạch, lành tính để sử dụng phát triển kinh tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những chị em phụ nữ yếu thế để phát triển bảo tồn dược liệu cũng như bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế địa phương.

"Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn bền vững từ đồng ruộng đến bàn ăn thông qua việc trồng dược liệu và nuôi gà bản địa với chuỗi liên kết tuần hoàn theo hướng hữu cơ, với phương châm "ba không: Không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ", chị Bình chia sẻ.

Đến nay, hợp tác xã đã liên kết trồng hơn 30 ha dược liệu và chuyển giao quy trình cho 15 tổ hợp tác, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 thành viên trong hợp tác xã và các chị em phụ nữ yếu thế; đồng thời, liên kết với Hội Phụ nữ xã để thu mua chế phụ phẩm, rác thải trong nông nghiệp về làm phân bón hữu cơ.

Sau quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hợp tác xã Thiên Phúc đã đưa được ra thị trường nhiều sản phẩm tốt như: Cốt sâm đa năng, trà sâm, bột sâm, gà hầm sâm… và được người tiêu dùng đón nhận.

Vượt lên chính mình

Có những dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi dù mới đi vào hoạt động, tuy nhiên đã cho thấy một sự chuyển đổi xanh rõ nét, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn là một thông điệp về cuộc sống, khát vọng vượt khó vươn lên của phụ nữ yếu thế, phụ nữ khuyết tật, là ngọn lửa để lan tỏa nghị lực và niềm tin trong cuộc sống cho chị em.

Mặc dù bị khuyết tật vận động khá nặng, song chị Phạm Thị Phượng (ở xã Nghi Hương, Cửa Lò, Nghệ An) đã nỗ lực không ngừng xây dựng hệ thống canh tác mới, vừa bảo đảm sản phẩm sạch, vừa thân thiện với môi trường. Dự án "Trồng cây rau má theo hướng thủy canh tuần hoàn" của chị Phượng là một trong 40 dự án xuất sắc được vinh danh tại lễ trao giải Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024.

Xác định rõ được hướng đi, chị Phượng luôn cẩn thận từ khâu chọn giống đến giá thể gieo và chuyển cây vào giỏ. Trên cùng một diện tích, chị Phượng đã kết hợp nuôi cá và rau má theo tầng thủy canh, tạo nên một vòng tuần hoàn cộng sinh khép kín, giúp tạo ra sản phẩm an toàn, không hóa chất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước.

Năm nay, Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" đã nhận được 2.545 dự án khởi nghiệp từ khắp các địa phương gửi đến tham gia dự thi tăng 26% so với cuộc thi năm 2023. Đây là con số thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp hội phụ nữ cả nước đối với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tìm ra hướng đi mới cho người dân tại địa phương và truyền cảm hứng cho những người khuyết tật, mặc dù mô hình của chị Phượng còn non trẻ, song các sản phẩm đã được bán tại thị trường nhỏ lẻ ở địa phương, nhận được sự phản hồi tích cực về chất lượng so với rau má truyền thống, tạo nguồn rau má chất lượng và giá trị dinh dưỡng; đồng thời, thay thế hoàn toàn phương pháp canh tác cũ, nhằm tối ưu hóa diện tích và tài nguyên, tạo kinh tế bền vững.

"Là hội viên Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An, trong quá trình tham gia sinh hoạt, tôi thấy bản thân mình may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác; vì vậy, tôi muốn vượt lên hoàn cảnh của mình, khẳng định giá trị của bản thân để truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ để mọi người trở nên tự tin hơn với chính bản thân và hòa nhập với xã hội", chị Phượng chia sẻ.

Đồng hành với chị Phượng là những bạn khuyết tật, tuy mỗi người một hoàn cảnh, nhưng cùng một chí hướng để đưa mô hình này đi vào thực tế, phủ xanh được toàn bộ hệ thống giàn và đi vào hoạt động ổn định, tạo thu nhập ổn định cho phụ nữ nông thôn cũng như phụ nữ khuyết tật tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An Lê Thị Hương Giang cho biết, dự án của chị Phạm Thị Phượng nằm ở mức độ thử nghiệm ý tưởng nhưng rất có tiềm năng tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở địa phương, nhất là với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Đây là dự án đã thể hiện nỗ lực vượt lên chính mình, tự lực trong mọi điều kiện hoàn cảnh, lan tỏa ý chí và tinh thần khởi nghiệp cho nhiều chị em, phụ nữ khác.

Năm nay, Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" đã nhận được 2.545 dự án khởi nghiệp từ khắp các địa phương gửi đến tham gia dự thi tăng 26% so với cuộc thi năm 2023. Đây là con số thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp hội phụ nữ cả nước đối với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/khat-vong-khoi-nghiep-xanh-ben-vung-post837619.html

  • Từ khóa