Tập trung tái đàn gia cầm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm

Thứ 4, 23.10.2024 | 08:43:33
353 lượt xem

Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay, các hộ chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang tích cực tái đàn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm để đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ dịp cuối năm.

Là một trong những hộ chăn nuôi gà với quy mô lớn trên địa bàn huyện Bắc Sơn, thời điểm này, gia đình anh Dương Công Toan, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh đang tập trung tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm.

Người dân xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn kiểm tra tình  hình sinh  trưởng của đàn gà

Người dân xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn kiểm tra tình hình sinh trưởng của đàn gà

Anh Toan cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Đây là thời điểm giao mùa, vì vậy để tái đàn an toàn cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Về con giống, gia đình tôi duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Nhằm phục vụ dịp tết năm nay, tôi nuôi hơn 10.000 con gà. Để tránh bị thiệt hại do thiên tai, tôi đã gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh chuồng để tránh mưa tạt, gió lùa và thường xuyên quét dọn chuồng. Hằng ngày, tôi đều kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn gà và cung cấp đầy đủ nước uống, thức ăn sạch, đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gà.

Không chỉ gia đình anh Toan, hiện nay, các hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Phan Thị Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp Vân An, xã Vân An, huyện Chi Lăng cho biết: Ngay từ giữa tháng 7 âm lịch, HTX đã mua giống tại cơ sở uy tín để chăn thả. Ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vịt, HTX chú trọng theo dõi dịch bệnh cho đàn vịt để tránh những thiệt hại có thể xảy ra. Đến nay, đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, HTX duy trì hơn 2.000 con vịt cổ xanh phục vụ cho dịp cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao. Dự kiến đến giữa tháng 12 âm lịch là có thể xuất bán.

Tương tự 2 trường hợp trên, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn gia cầm và chú trọng các biện pháp chăm sóc, phòng dịch.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4,9 triệu con gia cầm các loại, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh trên đàn gia cầm nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh như: lựa chọn con giống đảm bảo, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin… để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi cần được người chăn nuôi chú trọng. Bên cạnh sự chủ động của người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các thú y viên hướng dẫn các hộ, trang trại chăn nuôi tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường.

Hữu Lũng là một trong những huyện có tổng đàn gia cầm lớn, hiện tổng đàn gia cầm đạt trên 1 triệu con, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Để công tác tái đàn vật nuôi an toàn, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường giám sát dịch bệnh và tuyên truyền về công tác tiêm phòng, lợi ích của tiêm phòng đến người chăn nuôi. Đồng thời, chuẩn bị hóa chất để triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 trên địa bàn huyện dự kiến thực hiện vào tháng 10 đến tháng 12.

Song song với việc tái đàn và tăng đàn gia cầm thì công tác chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm cũng đang được các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi chú trọng.

Người dân xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc đàn gà

Người dân xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc đàn gà

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các tháng cuối năm là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro nhất. Bởi đây là thời điểm thời tiết có nhiều thay đổi, nắng, mưa xen kẽ, kết hợp với các đợt không khí lạnh nên đàn gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển, nhất là cúm gia cầm.

Để tái đàn gia cầm đạt hiệu quả, người dân cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất; duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống; cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm...

Hy vọng rằng, với những giải pháp đã và đang được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, cùng sự chủ động từ người dân, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn sẽ phát triển ổn định, đảm bảo cung ứng cho thị trường, đặc biệt là vào dịp cuối năm.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tap-trung-tai-dan-gia-cam-dam-bao-nguon-cung-thuc-pham-5025723.html

  • Từ khóa