Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng

Thứ 6, 25.10.2024 | 09:21:53
592 lượt xem

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ngày 9/5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, qua phân tích hồ sơ đánh giá của bảng xếp hạng vẫn còn 4/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2022 gồm: tính minh bạch (-1,04 điểm); chi phí không chính thức (-0,32 điểm); tính năng động của chính quyền tỉnh (-0,66 điểm); cạnh tranh bình đẳng (-0,16 điểm).

Sản xuất, lắp ráp động cơ điện tại Công ty TNHH Bảo Long, huyện Cao Lộc

Sản xuất, lắp ráp động cơ điện tại Công ty TNHH Bảo Long, huyện Cao Lộc

Ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để cải thiện các chỉ số này, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề phân tích, khuyến nghị một số giải pháp cải thiện điểm số trong năm 2024; phân tích những cải cách cấp cơ sở để củng cố năng lực cạnh tranh bền vững của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới. Đồng thời, sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể khắc phục các chỉ số thấp điểm và duy trì nâng cao chất lượng đối với các chỉ số được ghi nhận, đánh giá có điểm số tốt được thể hiện tại hồ sơ PCI năm 2023.

Chỉ số thành phần "Cạnh tranh bình đẳng" có điểm số giảm so với năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách, sở đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục. Cụ thể như phân tích nguyên nhân giảm điểm ở các chỉ tiêu để xây dựng kế hoạch khắc phục phù hợp, sát với thực tiễn. Cùng đó, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của ngành, thông tin dữ liệu về các dự án liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh; công khai về tiến độ, thời gian, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trên trang tin điện tử và bộ phận văn phòng của sở để các doanh nghiệp tiếp cận một cách thuận lợi, nhanh nhất.

Các chỉ số "Tính minh bạch", "Tính năng động của chính quyền tỉnh"; chỉ số “Chi phí không chính thức” cũng được các cơ quan nghiên cứu khắc phục nghiêm túc.

Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan tập trung khắc phục đối với chỉ tiêu thành phần thấp điểm như: nâng cao chất lượng website của tỉnh; tập trung thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh; tổ chức gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp...

Từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 10/2024, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức được 9 cuộc gặp mặt doanh nghiệp với tổng số trên 600 lượt chủ doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự. Tại các cuộc gặp mặt, đối thoại, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã về tạo mặt bằng sạch; cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục giao đất thực hiện dự án... đã được các đơn vị tiếp thu, xem xét giải quyết kịp thời.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng số kiến nghị được tiếp nhận qua các hội nghị, đối thoại, lượt làm việc và gửi trực tiếp đến các cơ quan nhà nước là 255 kiến nghị.  Có 201 kiến nghị đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố giải quyết, hoặc trả lời bằng văn bản;11 kiến nghị đã báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo; đang xem xét giải quyết 29 kiến nghị.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: Hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố là hoạt động rất thiết thực, hiệu quả. Thông qua đối thoại, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng đã được các sở, ngành, địa phương, tiếp nhận, xem xét từng bước tháo gỡ hiệu quả. Cụ thể như trong 9 tháng đầu năm 2024, những vướng mắc kéo dài nhiều năm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như dự án khu đô thị Nam Hoàng Đồng mở rộng, dự án khu đô thị Bến Bắc; dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng đã từng bước được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Cùng với việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ngành chủ động cung cấp thông tin, công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đất đai, xây dựng trên các trang tin điện tử và tại mỗi cơ quan đơn vị cho các doanh nghiệp có nhu cầu; tập trung tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh  tổ chức họp chuyên đề 6 cuộc về giải phóng mặt bằng, qua đó đã tháo gỡ trên 200 trường hợp liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường đã họp 15 cuộc để thống nhất, đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tuy điểm số được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Do đó, trong năm 2024, sở đã thực hiện một số giải pháp như: rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường còn bất cập, rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lên trang thông tin điện tử của sở... Đến giữa tháng 10/2024, sở đã tham mưu UBND tỉnh công bố 62 thủ tục hành chính của ngành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai về bồi thường, giải phóng mặt bằng; tham mưu UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 56 ngày 6/8/2024 hướng dẫn trình tự giải quyết khó khăn,vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 984 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 164% kế hoạch, lũy kế đến nay toàn tỉnh có gần 5.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 59 nghìn tỷ đồng; cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án (tương đương cùng kỳ năm 2023), tổng vốn đầu tư 6.112 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 23 dự án, số vốn tăng thêm 579 tỷ đồng.

Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các sở, ngành trong triển khai các giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng đã được các cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận. Từ đó, Lạng Sơn tiếp tục là địa bàn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, triển khai các dự án sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

"Hiện Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh An Phú Hưng đang thực hiện dự án cụm công nghiệp huyện Đình Lập có tổng diện tích đầu tư xây dựng 71,39 ha với tổng mức đầu tư hơn 677 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đã được các cấp chính quyền tháo gỡ nhiều vướng mắc, đặc biệt là về đất đai và giải phóng mặt bằng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện Đình Lập đã giải phóng mặt bằng tại dự án đạt 82% diện tích. Đồng thời, tỉnh cũng đang hoàn thiện các thủ tục giao đất cho doanh nghiệp theo Luật Đất đai mới 2024 để triển khai thi công các hạng mục sớm đưa dự án vào khai thác".

Ông Trần Huy Tưởng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng - nhà đầu tư cụm công nghiệp Đình Lập, huyện Đình Lập

"Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn đang triển khai 2 dự án đầu tư khu đô thị với tổng diện tích dự án khoảng hơn 70 ha tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng và thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Trong thời gian qua, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty đã được các sở, ngành, UBND huyện Cao Lộc và Chi Lăng hỗ trợ tối đa trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án. Đặc biệt, các sở, ngành đã giải quyết tốt việc xử lý bãi đổ đất thừa tại các dự án, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện thủ tục giao đất  để công ty  triển khai thi công theo kế hoạch đề ra".

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc phát triển dự án Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn - chủ đầu tư dự án khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ và dự án khu đô thị hành chính Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/lang-son-tao-dung-moi-truong-kinh-doanh-thong-thoang-5025335.html

  • Từ khóa