Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn bền vững để thúc đẩy xuất khẩu xanh

Thứ 4, 04.12.2024 | 15:09:38
109 lượt xem

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững. Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao để nâng cao sức cạnh tranh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phát triển xanh - động lực cho nền kinh tế hiện đại

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Diễn đàn quy tụ 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu để cùng thảo luận về chính sách vĩ mô cũng như các giải pháp, mô hình thực tiễn và kết quả bước đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.

Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn bền vững để thúc đẩy xuất khẩu xanh ảnh 1
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo Thứ trưởng Công thương, những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.

Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan.

Xanh hóa nguồn tài chính để bù đắp chi phí chuyển đổi công nghệ

Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn bền vững để thúc đẩy xuất khẩu xanh ảnh 2

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu từ sản xuất, tài chính xanh, công nghệ số đến phân phối, logistics đã cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh và xúc tiến xuất khẩu, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh và các chứng nhận quốc tế, chuyển đổi số trong sản xuất, công nghệ và giải pháp xanh trong logistics để phát triển chuỗi cung ứng bền vững, giải pháp tài chính cho doanh nghiệp đầu tư xanh.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn tạo cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.

Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Cập nhật về xu hướng chuyển đổi xanh và các quy định, tiêu chuẩn bền vững đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay, để thâm nhập tốt hơn vào thị trường châu Âu, vốn đang áp dụng những tiêu chuẩn xanh khắt khe, các nhà xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các yêu cầu không chỉ về chất lượng, giá thành sản phẩm mà còn về quá trình sản xuất ra sản phẩm, bảo đảm các yêu cầu xanh về nguyên liệu, các chế độ cho người lao động…

Nhấn mạnh phát triển bền vững là quá trình dài hơi và châu Âu đang rất quan tâm đến những yêu cầu về phát triển bền vững, ông Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt cần cân nhắc đến các yếu tố này khi xây dựng chiến lược xuất khẩu xanh của mình, trong đó có tài chính xanh để giúp doanh nghiệp có lợi thế về lâu dài.

PGS,TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, xu hướng thương mại quốc tế về lâu dài sẽ đưa ra nhiều hàng rào phi thuế quan, khiến yêu cầu về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trở thành bắt buộc.

Nếu doanh nghiệp không tuân thủ, việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ xảy ra ngay lập tức khi các yêu cầu về tuân thủ bắt đầu đi vào hiệu lực. Do vậy, doanh nghiệp cần áp dụng các chuyển đổi này nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Theo ông Thọ, doanh nghiệp Việt cần nhận thức được yêu cầu về huy động tài chính khí hậu để tạo nguồn thu bù đắp chi phí trong chuyển đổi công nghệ. Ngoài ra, cũng cần đặt ra yêu cầu về đào tạo nhân lực, đặc biệt là cán bộ kiểm kê báo cáo phát thải, tham gia thị trường tín chỉ carbon… để mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn bền vững để thúc đẩy xuất khẩu xanh ảnh 4
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính xanh, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp phải tự mình thực hiện công cuộc chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để xanh hóa nguồn tài chính đầu tư vào doanh nghiệp từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước áp lực chuyển đổi, nếu không nghiêm túc với công cuộc này, rủi ro về sụt giảm và mất thị trường là rất cao.

Do đó, chuyên gia kinh tế trưởng ADB khuyến nghị, doanh nghiệp Việt cần triển khai báo cáo xanh bền vững, chủ động triển khai để nắm rõ quy mô phát thải và định hình bước đi tiếp theo. Trong quá trình rà soát đó sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, cơ hội kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xanh hóa các nguồn tài chính hiện có, đánh giá mức độ phát thải theo chuẩn của ngành để thấy được hiệu quả và điều chỉnh cần thiết về công nghệ để tăng sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với tiêu chuẩn bền vững để thúc đẩy xuất khẩu xanh ảnh 5
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp cần xác định thị trường tập trung để định hướng xuất khẩu, đi kèm với đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.

Về phía Bộ Công thương, ông Phú cho hay, bộ sẽ thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các quy định mới, xanh, bền vững và xu thế tương lai, giúp doanh nghiệp định vị thị trường xuất khẩu để thích ứng, không bị loại khỏi cuộc chơi trong làn sóng xanh hóa toàn cầu.

Bên các chương trình hỗ trợ kỹ thuật hiện có, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với đưa ra các tiêu chuẩn xanh cho từng ngành, lĩnh vực ngay tại Việt Nam để doanh nghiệp tuân thủ tốt trước khi xuất khẩu sang nước ngoài.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doanh-nghiep-viet-can-thich-ung-voi-tieu-chuan-ben-vung-de-thuc-day-xuat-khau-xanh-post848443.html

  • Từ khóa