Phát triển bền vững cây ăn quả có múi: Không lấy diện tích làm mục tiêu

Thứ 7, 07.12.2024 | 15:42:43
378 lượt xem

Cây ăn quả tại các tỉnh phía bắc đã trải qua quá trình phát triển dài, đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Mặc dù vậy, hiện nay nhiều địa phương cũng đang phải trả những “cái giá” nhất định cho sự phát triển không đồng đều, thiếu quy hoạch và kỹ thuật canh tác dẫn đến đất đai bị chai cứng, nhiễm dịch hại nguy hiểm...

Cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình.

Những bài học nhìn từ tỉnh Hòa Bình

Với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả. Đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh… (hơn 10.000ha); 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối; ngoài ra còn có xoài, thanh long...

Xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…

Phát triển bền vững cây ăn quả có múi: Không lấy diện tích làm mục tiêu ảnh 1

Với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…

Mặc dù vậy, hiện nay Hòa Bình và nhiều tỉnh trồng cây ăn quả phía bắc đang gặp phải những vấn đề về việc suy thoái cây có múi.

Chia sẻ về vấn đề này TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi suy thoái ở địa phương như: Nhận định về phát triển không nằm trong quy hoạch; Nhiễm dịch hại nguy hiểm (vàng lá thối rễ, greening, tuyến trùng, rệp sáp...); Canh tác sử dụng thuốc, phân bón hóa học khiến đất chai cứng; Thiếu kiến thức canh tác bền vững; Quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ.

Theo ông Yến, việc thiếu kiến thức và nghiên cứu đầy đủ về cây có múi dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều nông dân khi mới thấy cây có hiện tượng vàng lá thối rễ đã vội vã chặt bỏ. “Trong canh tác, các tiêu chuẩn kỹ thuật được khuyến cáo kỹ song người dân đôi khi không tuân thủ, cũng là nguyên nhân khiến suy thoái cây có múi”, TS Nguyễn Hồng Yến nói.

Thận trọng trong khâu chọn giống

Theo GS, TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Hội Giống cây trồng Việt Nam, mỗi địa phương chỉ có một vài loại cây ăn quả phù hợp. Mỗi loại lại có một vài giống cho hiệu quả kinh tế cao nhất. “Trồng giống nào phải căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, lợi thế tại địa phương ấy”, ông Hải nhấn mạnh .

Về vấn đề giống, ông Hải nhấn cho rằng cây giống đưa vào sản xuất, cần có lý lịch rõ ràng, được cung cấp bởi các tổ chức có đủ điều kiện cả về pháp lý và chuyên môn được Nhà nước công nhận và cấp phép.

“Nếu là giống nhập nội phải qua kiểm dịch, chỉ trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, dù nghề trồng cây ăn quả ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng việc nghiên cứu chọn tạo gốc ghép còn ít được quan tâm. Bộ giống gốc ghép được sử dụng còn khá đơn điệu, dẫn đến tình trạng chất lượng vườn cây ăn quả chưa được cải thiện, cây sinh trưởng không đồng đều, thoái hóa nhanh, năng suất, chất lượng quả chưa cao và dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại nguy hiểm.

“Gốc ghép có tác động khá rõ đến với sinh trưởng của cành ghép, ảnh hưởng tới năng suất và kích thước quả, chất lượng sản phẩm, sức chống chịu với các điều kiện bất thuận. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, rằng gốc ghép còn có quan hệ đến sức chống chịu của cây với phức hệ sâu bệnh hại quan trọng, nhất là với cây có múi”, GS, TS Hải phân tích.

Phát triển bền vững cây ăn quả có múi: Không lấy diện tích làm mục tiêu ảnh 2
GS,TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Hội giống cây trồng Việt Nam.

Đưa ra những giải pháp về vấn đề này ông Hải khuyến nghị, gốc ghép phải là giống sinh sản vô giao, nghĩa là giống đa phôi, cây làm gốc ghép là cây phôi tâm (cây vô tính) để bảo đảm sự đồng nhất về hình thái và di truyền. Đồng thời, có khả năng cải tiến tăng năng suất cành ghép, giảm độ cao cây ghép, thích hợp với nhiều điều kiện đất đai, chịu được tình trạng đất nghèo dinh dưỡng, tiếp hợp tốt với nhiều cành ghép, chống chịu bệnh hại, chống được các loại sâu hại gốc, rễ và cải thiện chất lượng quả.

“Mục tiêu chọn lọc giống gốc ghép còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng, là ăn tươi hay chế biến, tạo sản lượng tập trung hay rải vụ thu hoạch, đối tượng và thị trường tiêu thụ”, ông Hải nói.

Các địa phương rà soát lại từng vùng trồng

Theo PGS, TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nhận định: Cây ăn quả tại các tỉnh phía bắc đã trải qua quá trình phát triển dài, đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Hiện các đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.

“Từ năm 2013, cây ăn quả xuất khẩu được 1 tỷ USD, đến nay đã gấp 7 lần. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận”, ông Doanh chia sẻ.

Bên cạnh những thành tựu, nguyên Thứ trưởng cũng thừa nhận, các địa phương cũng đã trả những “cái giá” nhất định cho sự phát triển vừa qua, trong đó có việc suy thoái vùng cam Cao Phong.

Phát triển bền vững cây ăn quả có múi: Không lấy diện tích làm mục tiêu ảnh 3

Cần rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để phát triển bền vững cây ăn quả, ông đề nghị địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả.

Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. “Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm”, ông nhấn mạnh.

Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn, có thể tạm thời để địa phương sớm tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm ban hành gói kỹ thuật cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.

Song song với đó, công tác phục hồi với những vườn chưa đến mức tái canh, cũng cần được quan tâm. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, có thể gắn vấn đề này với các đề án vừa ban hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như nâng cao sức khỏe đất.

“Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng", ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-cay-an-qua-co-mui-khong-lay-dien-tich-lam-muc-tieu-post849078.html

  • Từ khóa