Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước có thể đạt hơn 60 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, tiêu thụ nông sản cũng có nhiều thuận lợi, không chỉ hạn chế thấp nhất tình trạng “được mùa mất giá” mà nhiều mặt hàng còn luôn duy trì giá bán cao, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân.
Rau quả là một trong những ngành hàng xuất siêu lớn trong 9 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Tính riêng 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Các ngành hàng đua nhau phá kỷ lục
11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 8,5 triệu tấn với kim ngạch 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng; tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn kim ngạch cả năm 2023. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần như luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Giá gạo xuất khẩu ở mức cao đã kéo theo giá thu mua lúa trong nước tăng lên theo từng thời điểm, giúp người trồng lúa gia tăng lợi nhuận. Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) Nguyễn Cao Khải cho biết: Trong năm 2024, hiện tượng dư thừa lúa sau thu hoạch hầu như không có, thậm chí lúa còn được các thương lái, doanh nghiệp đặt cọc thu mua sớm phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu. Nhờ đó người nông dân rất phấn khởi, tích cực đầu tư tái sản xuất, nhất là với các giống lúa chất lượng cao.
Cùng với lúa gạo, năm 2024, giá cà-phê cũng liên tiếp lập kỷ lục rồi lại phá kỷ lục ngay sau đó, đưa Việt Nam lên vị trí mới trên thị trường cà-phê toàn cầu. 11 tháng đầu năm 2024, mặc dù xuất khẩu cà-phê giảm về lượng nhưng lại tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 1,2 triệu tấn với kim ngạch 4,84 tỷ USD. Giá cà-phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà-phê trong nước cũng thường xuyên ở mức cao chót vót, thời điểm cao nhất lên tới gần 150.000 đồng/kg.
Tại thời điểm này, mặc dù niên vụ cà-phê 2024-2025 đang bắt đầu bước vào thu hoạch rộ, nhưng giá cà-phê trong nước vẫn tiếp tục tăng do nông dân không bán ra ồ ạt, nguồn cung hạn chế. Giá cà-phê thế giới cũng vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhờ các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và lo ngại gián đoạn nguồn cung sẽ là điều kiện thuận lợi cho cà-phê xuất khẩu của Việt Nam vươn lên kim ngạch hơn 5 tỷ USD cả năm 2024.
Trong những điểm sáng về tiêu thụ nông sản năm 2024 không thể không kể đến sự phát triển thần tốc của ngành hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đã vượt xa cả năm 2023, đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo cả năm 2024, rau quả sẽ mang về khoảng 7,2 tỷ USD với mức xuất siêu hơn 4,5 tỷ USD, đóng góp lớn vào cán cân thương mại của toàn ngành.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, ngành hàng rau quả đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh và mạnh do có lợi thế lớn về thị trường, nhất là tại thị trường trọng điểm Trung Quốc với ngày càng nhiều nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch được ký kết. Ngoài ra, các sản phẩm rau quả chế biến sâu cũng nhiều và đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu của các khu vực thị trường khác như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Bên cạnh đó, các mặt hàng hạt điều, hạt tiêu, thủy sản… cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao trong xuất khẩu. Năm 2024, hạt tiêu đã chính thức gia nhập trở lại câu lạc bộ xuất khẩu “tỷ đô” sau hơn 10 năm vắng bóng với kim ngạch 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng đó, ngành hàng thủy sản cũng nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để tìm lại đà tăng trưởng, tiến sát kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD trong năm 2024 khi 11 tháng đầu năm đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đa dạng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, đà tăng trưởng liên tục trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thời gian gần đây là do chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu và quy định khắt khe của nhiều thị trường trên thế giới. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp cũng có những bước phát triển mới ở hầu hết ngành, lĩnh vực với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trong đó, sản xuất lúa gạo là một trong những ngành tiên phong trong việc sản xuất theo mô hình chất lượng cao, phát thải thấp, đang tạo ra giá trị gia tăng mới cho hạt gạo. Mặt khác, công tác mở cửa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong những năm qua cũng đạt nhiều kết quả tốt. Ngoài việc ký thêm nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam hiện còn tham gia 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia và khu vực trên thế giới, tạo điều kiện lớn cho xuất khẩu hàng hóa, trong đó có nông sản.
Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) đã được ký kết. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Arab, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng như tiếp cận các thị trường khác tại khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Theo tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều quốc gia, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để chiếm lĩnh thị trường nông sản, thực phẩm Halal toàn cầu dành cho người Hồi giáo. Đây cũng được coi là cánh cửa mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam, hướng tới thị trường tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước cũng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác để tiêu thụ nông sản. Với quy mô thị trường 100 triệu dân, nhu cầu nông sản, thực phẩm trên cả nước hiện rất lớn trong khi người tiêu dùng cũng đang ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt là cơ sở để đa dạng kênh tiêu thụ, trong đó các mặt hàng có lợi thế là gạo, rau quả, thủy sản.
Riêng đối với thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dư địa tiêu thụ trong nước còn rất lớn nếu doanh nghiệp tập trung đầu tư khai thác. Hiện, nhiều doanh nghiệp thủy sản coi thị trường trong nước là một trong những mảng quan trọng và mang lại doanh thu tốt, chia sẻ rủi ro có thể xảy ra khi thị trường thế giới biến động. Do đó, cùng với việc tập trung mở cửa thị trường xuất khẩu, thì “sân nhà” cũng là một kênh quan trọng để các ngành hàng và doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, hướng nền nông nghiệp đến những cột mốc tăng trưởng cao hơn nữa.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhieu-ky-luc-moi-trong-tieu-thu-nong-san-post849937.html