Tạo bệ đỡ phát triển điện gió ngoài khơi

Thứ 2, 30.12.2024 | 09:05:58
344 lượt xem

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW. Để biến mục tiêu thành hiện thực, Việt Nam cần một kế hoạch hành động rõ ràng, cùng các cơ chế pháp lý nhất quán nhằm thu hút đầu tư, triển khai dự án hiệu quả.

Điện gió ngoài khơi giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước và mở ra cơ hội xuất khẩu.

Thời gian để phát triển và xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi thường mất từ 6-7 năm, trong đó, 3-4 năm đầu cho việc hoàn thiện dự án và tài chính, sau đó ít nhất 3 năm xây dựng. Do vậy, muốn hoàn thành mục tiêu, các dự án đầu tiên cần phải được triển khai ngay trong một hai năm tới.

Cơ hội tiềm năng

Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, điện gió ngoài khơi đang được đầu tư phát triển mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Nếu năm 2023, tổng công suất điện gió ngoài khơi thế giới ở mức 75 GW thì năm 2024 dự kiến lên hơn 100 GW, mức tăng nhanh so với dự tính của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA).

Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2050, công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi có thể đạt hơn 1.000 GW, chiếm hơn 20% tổng các nguồn điện, trong đó, mục tiêu đến năm 2050 của Trung Quốc đạt 300 GW, Mỹ đạt 140 GW, Ấn Độ đạt 120 GW, Nhật Bản đạt 1 15 GW, Việt Nam đạt 91,5 GW,...

“Việt Nam có tiềm năng kinh tế-kỹ thuật điện gió ngoài khơi hơn 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã ban hành về phát triển năng lượng tái tạo biển (điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực thì các nguồn vốn lớn, công nghệ cao từ châu Âu dễ dàng xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Đây có thể là cơ hội để nước ta đột phá đi đầu tại Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ và hướng đến xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN cũng như các nước lân cận”, Tiến sĩ Dư Văn Toán cho biết.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật gần 600 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển gần bờ. Hiện nay, tổng các nguồn điện của Việt Nam ở mức 80 GW, đang hoạt động với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và tua-bin khí, điện mặt trời, điện gió trên bờ và gần bờ.

Trong đó, nguồn thủy điện đang dần cạn kiệt, tài nguyên than cũng chưa đủ để duy trì hoạt động của các nhà máy điện than hiện có. Do đó, với tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có sẽ đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai; đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong năm trung tâm điện gió biển tại khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á và Nam Mỹ.

Bên cạnh những cơ hội, việc đầu tư vào điện gió ngoài khơi hiện vẫn gặp các “rào cản” pháp lý. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập khẳng định: Việc chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn nhiều vướng mắc và chưa thống nhất giữa các văn bản quản lý pháp luật hiện hành.

Các luật: Đấu thầu, Đầu tư, Đất đai đều chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản pháp lý, chưa có khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi,… là những nguyên nhân dẫn đến chưa có dự án nào được triển khai, thực hiện trong thời gian qua.

Cần cơ chế đột phá

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) Bruno Jaspaert: Các doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên do mọi chuyện mới dừng ở khâu lên kế hoạch “trên giấy”, chưa được tiến hành trên thực tế. Thời gian phát triển và xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi thường mất từ 6-7 năm, trong đó, 3-4 năm đầu cho việc hoàn thiện dự án và tài chính, sau đó ít nhất 3 năm xây dựng.

Điều đó cho thấy, muốn đạt mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 thì các dự án đầu tiên phải được triển khai ngay trong năm 2027. Ông Bruno Jaspaert đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, thiết lập các cơ chế hỗ trợ rõ ràng và bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia.

Trong đó, tất cả giấy phép cần sẵn sàng và mọi trở ngại cần được giải quyết trong vòng 6 tháng tới để kịp tiến độ. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin và phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng cần được cải thiện.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) Trần Hồ Bắc khẳng định: Trong phát triển điện gió ngoài khơi, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 thí điểm, nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường.

Giai đoạn 2 phát triển có điều kiện, tức là có sự hỗ trợ của Nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá. Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá.

Bên cạnh đó, cần xem xét chính sách nội địa hóa như các quốc gia trên thế giới. “Với chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi, các nước trên thế giới đều yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa để nâng cao năng lực, trình độ khoa học-kỹ thuật của nước sở tại. Do đó, để phát triển năng lực trong nước cần luật hóa chính sách về nội địa hóa với điện gió ngoài khơi”, ông Trần Hồ Bắc nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập Phan Xuân Dương, hiện nay chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được thực hiện cho nên chưa có điều kiện kiểm chứng các khó khăn, vướng mắc xảy ra đối với các dự án này. Do vậy, việc mạnh dạn tiến hành thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi, nhất là ở Vịnh Bắc Bộ sẽ góp phần cung ứng điện cho miền bắc, từ đó có những dự án tiên phong để rút kinh nghiệm, bài học mở đường cho các dự án khác.

Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025 mặc dù đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong khoảng thời gian dài, tuy nhiên, để thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi phát triển đạt kỳ vọng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như sửa đổi, bổ sung đồng bộ các luật gồm: Bảo vệ môi trường, Đầu tư, Đấu thầu, Xây dựng, Đất đai,...; nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, học hỏi về mô hình quản trị đầu tư trong lĩnh vực năng lượng...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tao-be-do-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-post853230.html

  • Từ khóa