Dịch Covid-19 đẩy kinh tế Thái Lan tới gần bờ vực

Thứ 7, 21.03.2020 | 15:29:01
543 lượt xem

Dịch Covid-19 gần như là cú đánh quyết định khiến Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á khó có thể vực dậy được trong thời gian gần.

Những vụ tự tử xảy ra liên tục

Có lẽ kể từ khủng hoảng tài chính 1997 cho tới nay, số người tự tử tại Thái Lan mới tăng cao cho tới vậy. Câu chuyện về những con người tuyệt vọng thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội hay truyền thông nước này.

dich covid-19 day kinh te thai lan toi gan bo vuc  hinh 1
Ảnh minh họa: Bloomberg.

Bốn vị tăng nhân đang tụng kinh trong đám tang của Thee Pieanmag, một nhà thầu xây dựng 32 tuổi vừa mới tự tử tại nhà của mình. Một nhóm nhỏ người thân và bạn bè của Thee, tất cả đều mặc đồ đen, đã có mặt tại chùa Wat Maipinkleaw ở tỉnh Nakhong Pathom, phía Tây thủ đô Bangkok. Bên cạnh cỗ quan tài là bức ảnh thờ ngả màu nâu đỏ của Thee được đặt trong khung màu bạc.

Weerapong Pieanmag thực sự bàng hoàng khi biết tin em trai mình tự kết liễu cuộc sống. Cái chết của Thee được đưa lên mặt báo Thai Rath, tờ nhật báo tiếng Thái lớn nhất nhất của nước này. Tờ báo trên đăng tải một câu chuyện vào đầu tháng 3, với những chi tiết đau buồn về những giờ phút cuối đời của Thee, bằng một tiêu đề có nội dung anh này tự kết thúc cuộc đời mình vì “một khoản nợ lớn”. 

Cái chết trẻ của anh ta cũng chẳng phải là một trường hợp hiếm ở nước này. Nhiều cầu chuyện về các vụ tự tử liên quan đến khó khăn về tài chính đã trở nên quá quen thuộc với người dân Thái Lan trong năm vừa qua - một mảng tối trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam  đang trở nên chệch choạc. 

Những vụ tự tử khác xuất phát từ lý do kinh tế không phải là câu chuyện hiếm thấy tại Thái Lan nữa. Vào giữa tháng 2 vừa qua, một người buôn xe cũ ở tỉnh Phitsanoulok, phía Bắc Thái Lan, đã tự tử cùng cả gia đình gồm bốn người của mình. Một ghi chú trên điện thoại của người này cho thấy anh ta đang gánh các khoản nợ trong kinh doanh trị giá khoảng 10 triệu THB (313.000 USD). 

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Vương quốc Thái Lan có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Đông Nam Á, 14,4% trên 100.000 dân. Cho đến nay, các chuyên gia đánh giá Thái Lan chưa có sự chuyển biến nào, ít nhất là đối với các trường hợp tự sát vì lý do liên quan đến kinh tế trong bối cảnh tầng lớp trung lưu và lao động ở nước này sẽ tiếp tục phải đối mặt với các cơn bão khó khăn, trong đó, có thể điểm đến một vài vấn đề như gia tăng nợ nần, sức mua tiêu dùng yếu, các công ty phải đóng cửa, hàng hoá mất giá và hạn hán hoành hành. 

Cú đánh từ dịch Covid-19

Không chỉ Thái Lan mà cả nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, những cơ thể khoẻ mạnh có thể tự khỏi nếu mắc bệnh này nhưng với những cơ thể có bệnh nền từ trước thì thật sự là nguy hiểm.  

Theo cơ quan hoạch định chiến lược kinh tế - Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC), trong năm 2019, nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,4%, một trong những mức tăng trưởng đáng thất vọng nhất trong vòng năm năm vừa qua. Theo Ban chỉ đạo hỗn hợp Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan, tăng trưởng kinh tế trong năm nay thậm chí còn được dự báo ở mức tồi tệ hơn, ở mức khoảng 1,5% thậm chí là thấp hơn.

Từ năm 2015 đến 2018, World Bank (WB) đánh giá tỷ lệ nghèo ở Thái Lan tăng từ 7,21% lên 9,85%. Số lượng người dân sống trong nghèo khó tăng từ 4,85 triệu lên hơn 6,7 triệu người trên tổng dân số 69,04 triệu người. Theo WB, những xu hướng tồi tệ này không bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở khu vực hay các cuộc khủng hoảng mang quy mô toàn cầu. Trước đó, các cuộc khủng hoảng tài chính như thế đã một phần giải thích cho các đợt tăng tỷ lệ nghèo trong các năm 1998, 2000 và 2008.

Những cảm nhận về chất lượng cuộc sống trên khắp cả nước Thái Lan ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo của WB vào đầu tháng 3/2018, “trong năm 2018, chỉ có 39% người dân Thái Lan cảm thấy chất lượng cuộc sống trở nên tốt hơn; đây là tỷ lệ thấp nhất so với các nước Đông Nam Á còn lại được thăm dò trong cùng khoảng thời gian trên”.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2013, “các mức lương cơ bản, thu nhập từ nông trại và tiền kiều hối đã góp phần giảm nghèo, nhưng trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017 thì những yếu tố trên lại trở thành nguồn gốc gia tăng tỷ lệ nghèo”.

Hàng tỷ THB từ các gói kích thích kinh tế, trợ giá và các khoản tiền mặt hỗ trợ trực tiếp - được miêu tả với mỹ từ “khoản tiền cứu trợ trực thăng” - đã được đưa ra. Thế nhưng các câu chuyện về những hộ gia đình bị mắc kẹt ở gốc của bậc thang kinh tế đã chỉ ra những hạn chế trong chính sách hỗ trợ.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Ayudhya Somprawin Manprasert nhận định “những doanh nghiệp nhỏ  có nhiều khó khăn hơn trong việc huy động nguồn vốn từ khu vực ngân hàng chính thức so với các tập đoàn lớn. Cú sốc từ đại dịch virus Covid-19 đang làm cạn kiệt nhu cầu, và tôi đang hết sức quan ngại về tình trạng cuả nền kinh tế”.

Là quốc gia mà tỷ lệ ngành dịch vụ đóng góp vào nền kinh tế lớn, ví dụ như du lịch có thể mang về cho Thái Lan tới 20% GDP thì Covid-19 thật sự là một cú đánh quá nặng nề.

Hạn hán và ngành nông nghiệp

Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 tấn công vào lĩnh vực du lịch, các nhà nghiên cứu đã nâng mức cảnh báo đối với ngành nông nghiệp với nguồn thu nhập đang cạn kiệt dần cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. 

Tình trạng hạn hán bắt đầu từ giữa năm 2019 và cho đến này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo nghiên cứu của một ngân hàng thương mại được đưa ra vào tháng 3/2020, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài đến hết tháng 7, vụ lúa năm nay ước tính sẽ bị mất khoảng 37.8 tỷ THB (hơn 1,2 tỷ USD), vụ sắn sẽ bị thiệt hại khoảng 3.3 tỷ THB (110 triệu USD). Nông dân cao su và đường cũng sẽ bị thiệt hại lớn.

Tháng trước, NESDC cho biết hạn hán có thể không diễn ra vào một thời điểm tồi tệ hơn. Vùng đồng bằng nông thông trung tâm nứt nẻ sẽ không thể lập lại vai trò trước đây của mình với tư cách là một khu vực hấp thụ các cú sốc cho một nền kinh tế yếu. Trong quá khứ, các khu vực nông thông thường tạo ra việc làm cho các gia đình bị mất việc ở các nhà máy hoặc các doanh nghiệp nhỏ và trở về làng quê của mình để thu hoạch mùa màng trên các cánh đồng.

Tâm lý bất bình do mất lợi ích kinh tế ở Thái Lan đang lớn dần. Phe đối lập tại Hạ viện nước này đã chớp thời cơ để lên án chính quyền thân quân sự đã bỏ rơi đại đa số người dân để vun đắp cho các đồng minh tài chính hùng mạnh của mình, đó là những tài phiệt người Thái gốc Hoa có khối tài sản tăng lên không ngừng kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. 

Mingkwan Saengsuwan, một cựu Bộ trưởng thương mại lập luận rằng kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra, tổng tài sản của 1% người giàu nhất Thái Lan có giá trị lớn hơn tổng tài sản của 99% dân số còn lại. Ông Mingkwan đưa ra một luận điểm trong cuộc tranh luận bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hồi tháng 2 vừa qua, đánh giá rằng cho đến năm 2017, Thái Lan đã đứng đầu danh sách các quốc gia có mức chênh lệch giàu nghèo tồi tệ nhất, leo lên từ vị trí thứ 11 của hai năm trước đó.

Để nói nền kinh tế Thái Lan có rơi xuống vực thẳm bởi các tác động xấu liên tục nói trên hay không theo các nhà phân tích thì điều đó chưa xảy ra bởi hiện tại nợ công của Thái Lan vẫn chưa chạm ngưỡng, bong bóng bất động sản không có và cuối cùng là dự trữ ngoại tệ của Thái Lan vẫn đang còn rất lớn./.


Quang Trung/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dich-covid19-day-kinh-te-thai-lan-toi-gan-bo-vuc-1024916.vov

  • Từ khóa