Vải thiều Lục Ngạn “ngóng” chuyên gia Nhật và thương nhân Trung Quốc

Thứ 2, 01.06.2020 | 07:23:35
544 lượt xem

Ảnh hưởng của dịch bệnh, người trồng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) lo ngại sức tiêu thụ sẽ giảm và đang “ngóng” những chính sách hỗ trợ xuất khẩu.

Nỗi lo… ảnh hưởng của dịch Covid-19

Vườn vải sớm của gia đình bà Nguyễn Thị Ngần ở thôn Cầu Meo xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn với 100 gốc vải đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có người vào hỏi. Hàng năm thời điểm này không ít thương lái đã đến vườn thăm vải, đặt cọc để mua. Giá vải chín sớm năm 2019 cũng được từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, gia đình bà Ngần thu hơn 100 triệu tiền bán vải.

“Trăm gốc vải thời điểm này đều có thể thu hoạch được nhưng không ai hỏi, nếu trong 2 tuần tới không có người mua vải sẽ chín rụng, giá bán năm nay theo tôi cũng sẽ không được như năm ngoái” - bà Ngần nói.

Có diện tích vải chín sớm 0,2 ha và 0,8 ha vải thiều ông Trần Văn Tín xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn cũng đang lo lắng: “Thời điểm này, giá vải chín sớm ở Lục Ngạn khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg chỉ bằng nửa của năm 2019 nhưng chưa có thương lái vào mua. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua năm nay có thể không bằng năm trước”.

vai thieu luc ngan
Sản lượng vải chín sớm ở Lục Ngạn năm nay khoảng 18.000 -20.000 tấn .

Trước mắt là 200 gốc vải chín sớm đến thời điểm thu hoạch, sau đó là 700 gốc vải thiều chính vụ chưa biết bán thế nào? Năm nay thời tiết không tốt nên sản lượng vải cũng thấp, giờ có bán được mà giá xuống thấp thì cũng sẽ lỗ tiền công chăm sóc, ông Tín chia sẻ thêm.

Sản lượng vải chín sớm ở Lục Ngạn năm nay khoảng 18.000 -20.000 tấn (bằng 1/3) sản lượng vải thiều chính vụ. Vải chín sớm hầu hết tiêu thụ ở trong nước nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh nên sức mua giảm hẳn.

Vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) chính vụ năm nay dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 65% diện tích. Dự báo sản lượng vải chính vụ đạt trên 65.000 tấn.

Chuyên gia Nhật và hơn 300 thương nhân Trung Quốc sẽ sang Việt Nam

Trung Quốc vẫn là thị trường chính trong tiêu thụ vải thiều. Trong bối cảnh dịch Covid-19, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã lập danh sách hơn 309 thương nhân Trung Quốc và có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo điều kiện cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều.

vai thieu luc ngan
Năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có 70 ha vải thiều được chăm sóc theo quy trình của Nhật Bản yêu cầu để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, Thủ tướng đã đồng ý cho hơn 300 thương nhân này nhập cảnh vào Việt Nam và đến thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Trung Quốc cũng yêu cầu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam 3 ngày, các thương nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, các thương nhân Trung Quốc sẽ được huyện Lục Ngạn tổ chức đón, đưa về các khu cách ly tại 5 khách sạn, nhà nghỉ đã chuẩn bị.

“Sau thời gian cách ly 14 ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định, những thương nhân Trung Quốc sẽ được cấp giấy chứng nhận và được giao dịch thu mua vải thiều tại Bắc Giang” ông Năm nói.

Thị trường xuất khẩu vải thiều truyền thống là Trung Quốc tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có 70 ha vải thiều được chăm sóc theo quy trình của Nhật Bản yêu cầu. Dự kiến, trong những tuần tới các chuyên gia của Nhật Bản sẽ sang kiểm tra, nếu đạt chuẩn đây sẽ là những lô vải thiều đầu tiên xuất thẳng sang Nhật Bản.

Chuyên gia của Nhật Bản cũng sẽ được cách ly ở thành phố Bắc Giang đủ 14 ngày, sau đó sẽ kiểm tra y tế và cấp giấy chứng nhận sức khỏe.

Nếu các lô vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ Juran (Israel) công nghệ CAS của Nhật Bản đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc và dinh dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy vậy, huyện Lục Ngạn vẫn chủ động có phương án, kịch bản hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm vải thiều được sản xuất để xuất khẩu đi Nhật Bản nhưng do các yếu tố khách quan (như dịch bệnh Covid-19) nên chưa thể xuất khẩu được trong năm nay (dự kiến đưa sản phẩm chất lượng cao vào chuỗi dịch vụ du lịch, các kênh phân phối, bán lẻ của các siêu thị lớn ở trong nước và các nước ASEAN...).

Kịch bản xấu nhất khi xuất khẩu vải thiều khó khăn trong năm nay. Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh./.


Hoài Lam/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/vai-thieu-luc-ngan-ngong-chuyen-gia-nhat-va-thuong-nhan-trung-quoc-1054220.vov

  • Từ khóa