Hàng nghìn con lợn sống được nhập về từ Lào và Camphuchia mỗi ngày đang ép giá lợn hơi trong nước giảm xuống đáng kể.
Vài ngày gần đây, giá lợn hơi trong nước giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, có nơi giảm tới 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tiêu dùng.
Lý giải cho việc giá lợn giảm nhanh, nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết mỗi ngày có lượng lớn lợn sống được nhập theo đường tiểu ngạch và đưa vào thị trường. Mặt khác, giá lợn tăng quá cao cũng khiến người tiêu dùng hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.
Trên thị trường bán lẻ, thịt lợn đang được bán với giá 170.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ, sườn, 150.000 đồng/kg đối với thịt mông. Chân giò, nạc vai được bán với giá 170.000 - 180.000 đồng/kg.
"Sáng nay tôi nhập lợn mảnh từ lò mổ với giá 128.000 đồng/kg, giảm 2.000 so với 4 ngày trước đây, tuy nhiên mức giảm này chưa thể tác động ngay đến giá thịt bán lẻ trên thị trường", chị Lê Thị Nhị, tiểu thương chợ Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân cho biết.
Hai con lợn sống được giới thiệu là nhập từ Lào. |
Còn tại siêu thị BigC Lê Trọng Tấn, thịt nạc thăn được bán với giá 164.900 đồng/kg, nạc vai giá 170.000 đồng/kg, ba chỉ 202.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bắp giò được niêm yết với giá 149.000 đồng/kg.
Về lợn hơi, loại lợn ngon, nhiều nạc, mông to, da trắng, đẹp được thu mua với giá 95.000 đồng/kg, còn loại bình thường chỉ dao động quanh mức 90.000 đồng/kg, lợn xấu hơn có giá 85.000 đồng/kg. So với tuần trước giá lợn hơi giảm khoảng 8.000 đồng/kg.
"Người tiêu dùng đợt này mua ít đi, mấy ngày gần đây còn xuất hiện lợn được nhập từ Lào và Campuchia về nên giá lợn trên thị trường hạ nhiệt. Thực ra loại lợn này cũng không khác nhiều so với lợn được nuôi trong nước", một tiểu thương nói và thông tin thêm, mỗi con lợn nhập qua đường tiểu ngạch sẽ bị phạt khoảng 1 triệu đồng, chi phí này sẽ tính thẳng vào giá lợn xuất bán ra.
Theo ghi nhận của PV tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, có 2 con lợn trong chuồng được giới thiệu là lợn nhập từ Lào về. Loại lợn này có màu da đỏ gắt. Công nhân làm việc tại chuồng này cũng xác nhận đây chính là lợn nhập từ Lào.
"Da bị đỏ là do thời tiết quá nắng, lại vận chuyển xa. Bình thường hàng này đẹp không kém gì hàng nội địa, nếu nhìn bằng mắt thường sẽ không phân biệt được", người này nói. Anh từ chối tiết lộ về cách nhập sống từ Lào về.
Trả lời báo chí, chủ một doanh nghiệp bán buôn lợn tại chợ đầu mối Hà Nam cho biết: "Công ty chúng tôi đang hoàn thành các thủ tục để nhập khẩu lợn trực tiếp từ Lào và Campuchia về Việt Nam nhưng là theo đường chính ngạch, khi nào được phê duyệt mới nhập. Hiện tại lợn chúng tôi phân phối tại chợ hoàn toàn là lợn nội. Nhưng nhiều thương lái đang nhập lợn sống từ hai thị trường trên về Việt Nam qua đường tiểu ngạch với số lượng lớn".
Lợn nhập từ Lào có màu da đỏ gắt. |
Mới đây, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã liên hệ với cơ quan thú y nhiều nước đề nghị cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết. Dự kiến trong tuần này, khi Thái Lan cung cấp đủ tài liệu, hai bên sẽ tổ chức họp trực tuyến để trao đổi về những vướng mắc, thu thập thêm thông tin nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống.
Việc nhập khẩu lợn sống sẽ phải đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y theo đúng quy định. Các nước muốn xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam cần cung cấp hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giảm sát dịch bệnh trên đàn lợn... Trên cơ sở đó, Cục sẽ phân tích rủi ro khi nhập khẩu lợn.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ quy định về kiểm dịch nhập khẩu nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước như tổ chức cách ly đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hiện hành./.
Theo VOV.VN