Khả năng nguồn cầu giảm từ Trung Quốc và nguồn cung eo hẹp đang đè nặng lên giá dầu khiến giá dầu biến động không ngừng. Giá dầu Brent đang được giao dịch quanh mốc 122 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu đã trượt dốc liên tục trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (13-6). “Vàng đen” tiếp đà trượt dốc của tuần trước do bùng phát các ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và lo ngại về việc tăng thêm lãi suất sẽ làm gia tăng lo ngại về nhu cầu. Tuy nhiên, đà trượt dốc của giá dầu đã được hạn chế phần nào bởi sự thiếu hụt nguồn cung. Chính vì vậy, giá dầu đã được phục hồi vào cuối phiên giao dịch.
Giá dầu giảm liên tục trước khi tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 0,11 USD, tương đương 0,09% lên 122,1 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 11 cent, tương đương 0,09% lên 120,8 USD/thùng.
Quận Triều Dương, quận có số dân đông nhất Bắc Kinh, đã công bố ba đợt xét nghiệm hàng loạt để đẩy lùi đợt bùng phát Covid-19 dữ dội mới hồi tuần trước. Đợt xét nghiệm này sẽ kết thúc vào ngày 15-6.
Theo Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM, sự “hạ nhiệt” của giá dầu chịu tác động bởi sự lây lan “dữ dội” của virus SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh, gây ra sự hoài nghi về khả năng phục hồi nhu cầu trong ngắn hạn của Trung Quốc.
Lo ngại về việc gia tăng lãi suất bởi dữ liệu lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 41 năm qua của Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% trong tháng trước cũng đã đẩy giá dầu xuống thấp hơn và có “sức nặng” trên các thị trường tài chính.
Dữ liệu đã đặt thị trường vào tình trạng báo động rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thắt chặt chính sách trong thời gian dài và gây ra một đợt suy giảm mạnh. Fed sẽ đưa ra quyết định vào ngày 15-6.
Giá dầu đã liên tục tăng trong năm, đặc biệt là từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu dầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Giá dầu Brent đã có thời điểm gần chạm 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008, vào tháng 3 năm nay. Đặc biệt, trong tuần trước, dù đã có hai phiên liên tiếp lao dốc, nhưng cả hai mặt hàng Brent và WTI đều đã “bỏ túi” 1%, có thêm một tuần tăng giá. Tính cả tuần vừa qua, giá dầu Brent đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp và WTI tuần thứ 7 liên tiếp.
Nguồn cung ngày một eo hẹp do sản lượng dầu của Libya đang giảm 1/2. Ảnh minh họa: Reuters |
Cùng với nguồn cầu giảm từ quốc gia Đông Á – Trung Quốc, nguồn cung eo hẹp cũng tác động không nhỏ đến giá dầu. Dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cam kết tăng 50% sản lượng cho tháng 7 và 8 nhưng nhiều thành viên của nhóm nhiều tháng qua đã không thể đáp ứng được hạn ngạch đề ra của mình gây quan ngại cho thị trường.
Bên cạnh đó, sản lượng ở Libya giảm gần một nửa do tình trạng bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này khiến gần như tất cả các mỏ dầu trong nước ngừng hoạt động. Trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày thay vì 1,1 triệu thùng/ngày như thường lệ.
Jeffery Halley của công ty môi giới OANDA cho biết: “Động lực cung/cầu vẫn hỗ trợ cho giá cả”. Halley nhận xét rằng, việc bán tháo dầu kéo dài là khó xảy ra, trừ khi thị trường Mỹ chuyển sang định giá một cuộc suy thoái toàn diện và Trung Quốc thực hiện các đợt phong tỏa mới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.117 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.375 đồng/lít; dầu diesel không quá 29.020 đồng/lít; dầu hỏa không quá 27.839 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.357 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh bởi liên Bộ Tài chính - Công Thương tại kỳ điều hành giá chiều 13-6 với giá xăng tăng dưới 900 đồng/lít, giá dầu tăng trong khoảng 2.400 - 2.626 đồng/lít, duy chỉ có giá dầu mazut giảm 544 đồng/kg. Đây là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp của xăng.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-xang-dau-hom-nay-14-6-tang-nhe-697172