Tăng trong khoảng 3% do nguồn cung thắt chặt, giá dầu WTI đã vượt 107 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với giá của tuần trước. Dầu Brent chỉ còn hơn 113 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Reuters, chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng hơn 3 USD/thùng. Giá dầu được hỗ trợ leo dốc bởi nguồn cung thắt chặt.
Dù “bỏ túi” kha khá vào phiên cuối của tuần giao dịch, nhưng giá dầu WTI đã ghi nhận mức giảm hằng tuần lần thứ hai liên tiếp do lo ngại rằng lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Giá dầu Brent dù trượt liên tục trong tuần nhưng đã trở về mốc của chốt phiên tuần trước với sự quay đầu ngoạn mục vào phiên giao dịch ngày 24-6.
Giá dầu trải nghiệm thêm một tuần giảm. Ảnh minh họa: Businessday |
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã tăng 3,07 USD, tương đương 2,85%, lên mức 113,12 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,35 USD, tương đương 3,2%, lên mức 107,62 USD/thùng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York cho biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nói chuyện rất “diều hâu” làm suy yếu đà tăng của giá dầu, nhưng tâm lý đang thay đổi một chút, đặc biệt là dựa trên các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ.
Ngày 23-6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, trọng tâm của ngân hàng trung ương vào việc kiềm chế lạm phát là "vô điều kiện". Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Một cuộc khảo sát vào ngày 24-6 cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã đạt mức thấp kỷ lục trong tháng 6 ngay cả khi triển vọng lạm phát đã được cải thiện đôi chút.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm nguồn cung khan hiếm trong năm nay cũng như nhu cầu đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Giá dầu đã có thời điểm gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 147 USD/thùng được ghi nhận năm 2008.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM cho biết, lo ngại suy thoái đã chi phối tâm lý, tuy nhiên tâm lý chung vẫn là thị trường dầu sẽ chứng kiến nhu cầu cao và nguồn cung thắt chặt trong những tháng mùa hè.
Ngày 30-6 tới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp. Dự kiến tổ chức này sẽ duy trì kế hoạch chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu trong tháng 7 và tháng 8.
OPEC+ nhiều khả năng sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng đã đat được trước đó. Ảnh minh họa: Reuters |
Cũng theo Reuters, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Đây là tuần tăng thứ hai liên tiếp trong chuỗi tăng kỷ lục trong 23 tháng do giá dầu thô cao và sự thúc giục của chính phủ.
Số liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng khoảng 5,6 triệu thùng, dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 1,7 triệu thùng. Tuy nhiên, tuần này, số liệu chính thức từ chính phủ đã bị trì hoãn công bố sang tuần sau do các vấn đề kỹ thuật. Theo Oilprice, chính sự trì hoãn này của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã đẩy giá dầu quay đầu leo dốc. Báo cáo dữ liệu về dầu này được theo dõi nhiều nhất trên thế giới bởi nó cho thấy cái nhìn tổng thể về tình trạng nguồn cung tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 32.873 đồng/lít; dầu diesel không quá 30.019 đồng/lít; dầu hỏa không quá 28.785 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.735 đồng/kg.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn