Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục

Thứ 3, 19.07.2022 | 15:20:51
172 lượt xem

Thị trường hàng hóa đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần với sự hồi phục mạnh mẽ sau tuần lao dốc trước đó. Sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu là: nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng khi mà có đến 28 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index tăng hơn 3,4% lên mức 2.582 điểm.

Ảnh minh họa: Reuters.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, động lực tăng giá cho toàn thị trường trong ngày hôm qua phải kể đến hỗ trợ của các thông tin vĩ mô đã thúc đẩy trực tiếp cho nhóm năng lượng và kim loại, từ đó tạo nên đà tăng cho toàn thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư tiếp tục cho thấy sự ổn định trước biến động, khi mà giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức trên 3.500 tỷ đồng.

Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục ảnh 1

Giá dầu tăng rất mạnh trở lại khi dollar giảm giá

Giá dầu tăng rất mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua nhờ Dollar Index giảm giá. Đối với dầu WTI, hợp đồng giao tháng 7 đã đến ngày giao dịch cuối cùng, và thị trường đã chuyển sang hợp đồng giao tháng 8. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 5,13% lên 99,42 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 5,05% lên 106,27 USD/thùng.

Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục ảnh 2

Đóng góp rất lớn vào đà tăng của thị trường hàng hóa nói chung ngày hôm qua và thị trường năng lượng nói riêng, chính là việc Dollar Index giảm rất mạnh 0,64% xuống 107,37 điểm. Hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, họ kỳ vọng FED sẽ không tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, như một số kỳ vọng của thị trường trước đó, đã khiến cho đồng bạc xanh hạ nhiệt đáng kể, mặc dù vẫn đang duy trì chung quanh vùng đỉnh 20 năm. Điều này khiến cho việc nắm giữ hợp đồng dầu bớt đắt đỏ hơn, và hỗ trợ cho lực mua ngày hôm qua.

Bên cạnh đó, về phía các yếu tố cơ bản của thị trường, một loạt thông tin mới cũng đẩy giá lên cao. Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang diễn ra, tuy nhiên về phía Saudi Arabia, quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thiết lập chính sách năng lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vẫn chưa đưa ra bất cứ dấu hiệu nào sẽ nhanh chóng gia tăng sản lượng, bất chấp sự lạc quan từ phía Mỹ.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp nhóm ngày 3/8 tới, thị trường kỳ vọng OPEC sẽ chỉ đưa ra chính sách, hoặc thông báo sẽ tăng sản lượng ở mức nhỏ, khi mà nhóm có rất nhiều thành viên vẫn đang sản xuất dưới mức hạn ngạch cho phép. Năng lực sản xuất của nhiều nước được cho là khó có thể bắt kịp mức trước đại dịch Covid-19, do thiếu đầu tư và bảo dưỡng.

Mặc dù Libya cho biết đã bắt đầu chở dầu trở lại, sau nhiều ngày ngừng xuất khẩu, tuy nhiên tại Nam Phi, nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng do vận chuyển dầu thô đầu vào bị chậm trễ, dẫn đến không thể vận hành như bình thường.

Đà tăng của giá dầu càng được củng cố khi Bộ trưởng Năng lượng Iraq cho biết, ông kỳ vọng giá dầu sẽ duy trì ở mức trên 100 USD/thùng trong cuối năm nay, do nguồn cung bị thắt chặt. Theo đó, giá dầu khả năng cao sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong vòng 3-4 năm tới, do đó thị trường sẽ cần được dẫn dắt bởi các nỗ lực của OPEC.

Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục ảnh 3

Giá khí tăng cao 6,6% lên 7,479 USD/MMBTu cũng phần nào trợ giúp cho giá dầu thô, khi công ty dầu khí Nga tuyên bố tình trạng bất khả kháng và ngừng vận chuyển khí cho các khách hàng châu Âu, cho thấy khả năng Nga sử dụng nguồn cung năng lượng của mình như một công cụ gây sức ép khi bất đồng giữa Nga và châu Âu là tương đối lớn, có thể là chất xúc tác thúc đẩy giá dầu quay lại đà tăng.

Quặng sắt lấy lại mốc 100 USD/tấn

Trên thị trường kim loại, ngoại trừ thiếc LME, các mặt hàng còn lại trong bảng giá kim loại đều bật tăng mạnh mẽ. Bạc đón nhận phiên tăng thứ 2 với mức tăng 1,32%, kết phiên tại mức giá 18,84 USD/ounce. Bạch kim dẫn đầu đà phục hồi của nhóm kim loại khi tăng mạnh mẽ 3%, lấy lại mốc 856 USD/ounce.

Tương tự như dầu thô, việc FED có những động thái ủng hộ mức tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 sắp tới, đã khiến chỉ số Dollar index hạ nhiệt phiên thứ 2 liên tiếp. Điều này giúp cho bạc và bạch kim có 2 ngày phục hồi, ngược chiều với diễn biến của đồng bạc xanh, được hưởng lợi do chi phí cơ hội của việc nắm giữ giảm xuống. Bên cạnh đó, sự tích cực trong lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ tiếp tục ủng hộ cho kim loại quý trong vai trò công nghiệp, từ đó có được động lực tăng giá trong ngày hôm qua.

Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục ảnh 4

Đáng chú ý, nhóm kim loại cơ bản có một phiên tăng mạnh hiếm hoi trong thời gian gần đây khi đồng COMEX và quặng sắt lần lượt tăng 3,46% và 4,37% lên mức 3,34 USD/pound và 100 USD/tấn. Cả hai mặt hàng này đều được hỗ trợ trước thông tin Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng tẩy chay thế chấp bất động sản. Việc yêu cầu các bên cho vay cung cấp tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản hoàn thành các công trình dang dở, đồng thời thúc đẩy ngân hàng hỗ trợ các vụ mua bán sáp nhập những đơn vị này đã đem lại động lực chính cho sự phục hồi mạnh mẽ của đồng và quặng sắt sau khi lao dốc trong tuần trước.

Thông tin vĩ mô đưa thị trường hàng hóa trở lại đà hồi phục ảnh 5


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thong-tin-vi-mo-dua-thi-truong-hang-hoa-tro-lai-da-hoi-phuc-post706194.html

  • Từ khóa