Ngược với đà tăng “phi mã” của tuần trước, tuần này, giá dầu Brent và WTI giảm khá sâu với Brent “trượt dốc” tới 11%, WTI 8%.
Giá xăng dầu thế giới
Mối lo ngại khả năng diễn ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một lớn dần cùng với sự phá hủy nhu cầu vẫn đang đè nặng lên giá dầu khiến giá “vàng đen” trong tuần liên tục lao dốc.
Giá dầu có một tuần giảm sốc. Ảnh minh họa: Vanguardngr |
Sự “hạ nhiệt” của giá dầu cũng chịu tác động không nhỏ bởi số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ xăng và dầu thô của nước này bất ngờ tăng mạnh vào tuần trước và quyết định nâng hạn ngạch sản lượng cho tháng 9 lên thêm 100.000 thùng/ngày của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).
Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 4-8 thêm 50 điểm cơ bản lên 1,75% - đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12-2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua - đã làm cho bức tranh suy thoái toàn cầu trở nên rõ ràng hơn, “đẩy” giá dầu thô Brent và WTI trượt dài khỏi mốc 3 con số.
Bắt đầu tuần mới và cũng là tháng mới trong sắc đỏ, cả dầu Brent và WTI cùng giảm giá khoảng 4-5%.
Trong phiên giao dịch ngày 2-8, ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+ một ngày sau đó, giá dầu giao sau đã tăng nhẹ, chưa tới 1%. Đây là lần đầu tiên trong năm, theo Bloomberg, OPEC+ nhóm họp mà không có chính sách rõ ràng nào trước. Điều này cho phép nhóm sẽ có những đánh giá đúng đắn về những gì thế giới thực sự cần.
Dù chỉ thêm có 100.000 thùng/ngày cho hạn ngạch sản lượng của mình vào tháng 9, khoảng 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu, quyết định này của OPEC+ cũng đã góp phần “hạ nhiệt” giá dầu cùng với dữ liệu dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ tăng mạnh. Giá dầu Brent đã giảm 3,7% xuống chạm mức 96,78 USD/thùng - mức giao dịch thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 21-2 – trong phiên giao dịch ngày 3-8. Dầu thô WTI cũng được giao dịch ở mức thấp nhất 90,66 USD/thùng kể từ ngày 10-2.
Tiếp đà trượt dốc, giá dầu đã giảm thêm gần 3% trong phiên giao dịch ngày 4-8.
Giá “vàng đen” hạ nhiệt có thể là một sự “cứu trợ” đối với các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và và các nước châu Âu. Chính những quốc gia này đã và đang hối thúc các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung khan hiếm và chống lại lạm phát đang hoành hành.
Đà “lao dốc” của giá dầu đã bị “chặn” lại tại phiên giao dịch ngày 5-8 bởi dữ liệu việc làm tăng khả quan của Mỹ. Giá “vàng đen” đã lội ngược dòng gần 1 USD. Tuy nhiên, mức tăng này khá khiêm tốn so với cú trượt dốc sâu của những phiên giao dịch trước đó. Vì vậy, giá dầu thô Brent và WTI đã có một tuần “đảo chiều”, giảm giá về mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua và trở lại mức giá trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tính cả tuần, giá dầu thô Brent đã trượt dốc tới 11%, dầu thô WTI giảm 8%. Dầu thô Brent tạm dừng giao dịch ở mức giá 94,92 USD/thùng, WTI ở mức 89,01 USD/thùng.
Nguồn cung dầu vẫn khá eo hẹp. Ảnh minh họa: Oilprice |
Các vòng đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân của Iran đang được nối lại tại Vienna, Áo mở ra hy vọng các lệnh trừng phạt làm cản trở dòng dầu xuất khẩu của Iran sẽ sớm được gỡ bỏ để thị trường sớm được "tiếp" dầu từ Iran giúp phần nào giải nhiệt cơn "khát" dầu.
Tuy nhiên, nguồn cung vẫn ở mức khá eo hẹp, cùng với câu chuyện suy thoái đang ngày một lớn dần vẫn sẽ là những nhân tố chính khiến giá dầu tiếp tục biến động vào tuần tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-8 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.608 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.908 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.533 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-xang-dau-hom-nay-7-8-tuan-giam-gia-sau-702037