Trung Quốc siết nhập khẩu thủy sản, cơ hội nào vào thị trường tỷ dân?

Thứ 3, 16.08.2022 | 14:43:03
250 lượt xem

Trung Quốc áp dụng lệnh 248, 249, việc giám sát an toàn thực phẩm của nước này sẽ tiến hành chặt chẽ hơn. Nếu doanh nghiệp thủy sản nước ngoài không đáp ứng tiêu chí thì có thể bị cấm xuất khẩu sang.

Ngày 15/8, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị "Xuất khẩu thủy sản thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai lệnh 248 và 249".

Trung Quốc áp lệnh 248, 249 "siết" nhập khẩu thủy sản

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết về chế biến, xuất khẩu thủy sản, thị trường xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 380 triệu USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ.

Trung Quốc siết nhập khẩu thủy sản, cơ hội nào vào thị trường tỷ dân? - 1

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: TL).

Tuy nhiên, trong năm nay, xuất khẩu thủy sản của tỉnh cũng gặp khó khăn, đặc biệt khi Trung Quốc triển khai lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1.

"Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ những quy định được quốc gia này đưa ra. Thời gian đầu ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn để đáp ứng yêu cầu mới của Trung Quốc, song nếu nhìn ở khía cạnh khác, đây là cơ hội để "chuẩn hóa" ngành hàng này", ông Cận chia sẻ.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kiêm Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), với việc Trung Quốc áp dụng lệnh 248 và 249, việc triển khai giám sát an toàn thực phẩm của nước này sẽ tiến hành chặt chẽ hơn.

Trung Quốc có thể yêu cầu các doanh nghiệp, đầu mối cung cấp sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào nước họ những điều kiện vệ sinh, nếu không đáp ứng được thì Trung Quốc có thể cấm không cho xuất khẩu sang. Do đó, việc các doanh nghiệp của Việt Nam cần tuân thủ nghiêm lệnh 248, 249 là cấp thiết.

Trung Quốc siết nhập khẩu thủy sản, cơ hội nào vào thị trường tỷ dân? - 2

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Ảnh: TL).

Giải pháp nào để tận dụng cơ hội vào thị trường tỷ dân?

Nêu tiềm năng thị trường Trung Quốc, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết Việt Nam chiếm 8-10% thị phần thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, không ô nhiễm và chất lượng cao .

Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3kg so với 39,3kg trong giai đoạn hiện nay.

Trung Quốc siết nhập khẩu thủy sản, cơ hội nào vào thị trường tỷ dân? - 3

Trung Quốc được đánh giá là thị trường lớn tiềm năng để xuất khẩu thủy sản vào nước này (Ảnh minh họa: CTV).

Theo bà Hằng, Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng vùng miền, phong tục thói quen tiêu thụ thực phẩm. Nước này hiện nay có 26 tỉnh/thành đang nhập khẩu thủy sản nên cần phải coi đây là 26 thị trường. Tuy nhiên, chính sách, quy định của các địa phương ở Trung Quốc hiện nay không nhất quán, không theo thông lệ nhất định. Vì vậy, cần có khảo sát ở cấp độ thị trường địa phương để khai thác nhu cầu và gia tăng thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

"Sau 2 năm Covid-19, thị trường nguyên liệu ổn định vì không bị thương lái Trung Quốc làm xáo trộn, cần tận dụng cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, xây dựng một thói quen kinh doanh bài bản với thị trường này", bà Lê Hằng đánh giá cơ hội xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Thạc sĩ Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết với lệnh 249, thị trường sẽ tiếp tục có các điều chỉnh về các biện pháp vệ sinh dịch tễ sâu, rộng và nghiêm khắc hơn nhằm giám sát an toàn thực phẩm và kiểm dịch.

Trung Quốc siết nhập khẩu thủy sản, cơ hội nào vào thị trường tỷ dân? - 4

Thạc sĩ Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam (Ảnh: Huỳnh Hải).

Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị cần có sự phối hợp các bên để chủ động thích ứng và đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch. Yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm ngày càng cao, đặc biệt phải là mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, cũng như cảnh báo về an toàn thực phẩm... nên doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc cần quan tâm để khắc phục tiêu chí chưa đạt cho phù hợp.

Ông Hoàng Lý, Trưởng phòng chất lượng và kiểm nghiệm (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ) chỉ rõ, trong việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nông thủy sản vào Trung Quốc theo lệnh 248, một số sai lỗi thường gặp trong quá trình đăng ký hồ sơ, như: Khai không đầy đủ các nội dung bắt buộc phải khai báo của hệ thống; sản phẩm đăng ký không thuộc danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm được thẩm định, chứng nhận hoặc không nằm trong danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu; người đại diện pháp luật không đúng theo giấy đăng ký kinh doanh;...

Do đó, các doanh nghiệp cần khắc phục những thiếu sót này.

Đề xuất thêm giải pháp vào thị trường Trung Quốc, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 7, đề nghị các cơ quan chức năng liên hệ với phía Trung Quốc cung cấp phương pháp, quy trình xét nghiệm bệnh thủy sản đang áp dụng tại nước này và áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu, như: cung cấp quy định cụ thể các loại bệnh nào, mặt hàng nào cần kiểm tra, cách thức lấy mẫu kiểm tra; xem xét, thực hiện đánh giá, công nhận năng lực xét nghiệm bệnh thủy sản (trước mắt là bệnh trên tôm) của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc xem xét công nhận, sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ quan thú y Việt Nam trong cấp phép cho lô hàng thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 7 cũng đề nghị các doanh nghiệp hướng dẫn cơ sở nuôi tổ chức giám sát dịch bệnh theo yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm cung cấp nguyên liệu bảo đảm cho xuất khẩu.

Về lâu dài, đề nghị các doanh nghiệp tổ chức xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Cục Thú y và các cơ quan thú y địa phương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong tổ chức xây dựng, đánh giá và công nhận an toàn dịch bệnh động vật thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu.


Huỳnh Hải/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-siet-nhap-khau-thuy-san-co-hoi-nao-vao-thi-truong-ty-dan-20220815181603928.htm

  • Từ khóa