Bộ Công Thương vừa đề xuất cho EVN được điều chỉnh tăng giá điện khi các chi phí đầu vào biến động làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% thay vì mức 3% như trước đây.
Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể theo dự thảo, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Đây là điểm mới so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện hiện hành với quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.
Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1% (Ảnh: EVN).
Còn trong trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.
Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Với trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình. Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ 1/10 của năm đó.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% trở lên, thẩm quyền quyết định tăng giá thuộc Thủ tướng. Quyết định sẽ được Thủ tướng đưa ra trên cơ sở báo cáo, rà soát từ các cơ quan quản lý và ý kiến của Ban chỉ đạo điều hành giá. Việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ thực hiện từ ngày 1/10 năm có biến động giá.
Trước đó, tại hội thảo về kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia ngày 23/9, đại diện EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định của Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện. Điều này nhằm đảm bảo cân đối tài chính cho tập đoàn.
Trước đó, EVN đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm với kết quả lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng. Về nguyên nhân, đại diện EVN cho biết, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.
Theo quy định, giá bán lẻ điện bình quân hằng năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của năm đó và lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt.
Theo dantri.com.vn