Với nhiều lợi thế từ vùng trồng lớn, chất lượng vượt trội, bưởi Việt Nam có cơ hội đem lại giá trị xuất khẩu cao khi Mỹ chính thức mở cửa cho loại quả này
Sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Dự kiến tháng 11-2022, lô bưởi đầu tiên sẽ chính thức được xuất khẩu sang Mỹ.
Nông dân phấn khởi
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền như da xanh, Năm Roi, bưởi Diễn, Đoan Hùng, Phúc Trạch… Trong đó, ĐBSCL có diện tích và sản lượng bưởi lớn nhất nước, khoảng 32.000 ha và 369.000 tấn.
Nghe tin trái bưởi được xuất khẩu sang Mỹ, nông dân Nguyễn Văn Trí (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh - địa phương có diện tích trồng bưởi lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, với 1.300 ha và năng suất hằng năm khoảng 26.000 tấn) hồ hởi: "Khoảng 2 năm nay, nhiều người ở đây chuyển diện tích trồng bưởi Năm Roi sang trồng sầu riêng, mít Thái do đất bạc màu, cây bưởi bị lão hóa và giá bấp bênh…, riêng tôi vẫn trung thành với cây bưởi. Khi nghe tin bưởi tươi được xuất khẩu sang Mỹ, tôi rất vui mừng vì xuất sang thị trường này giá bán sẽ rất cao, có lợi cho nhà vườn. Tuy nhiên, chúng tôi mong cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kỹ thuật trồng để bảo đảm các yêu cầu xuất sang Mỹ".
Thu mua bưởi Năm Roi tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CA LINH
Theo ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây (Bến Tre), mấy tháng nay ông đã chuẩn bị nhiều thứ để có thể xuất khẩu bưởi da xanh sang Mỹ. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mã vùng trồng và nhà máy đóng gói mới để đáp ứng điều kiện của Mỹ.
"Tôi đã đăng ký 2 vùng trồng và đang lập hồ sơ một vùng trồng nữa với tổng diện tích 50 ha cho Cục Bảo vệ thực vật. Trong đó, tôi liên kết với hàng chục nông dân và HTX với diện tích trên 10 ha. Sản lượng mỗi năm của 3 vùng trồng khoảng 500 tấn nhưng dự kiến xuất khẩu khoảng 200 tấn. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng mã vùng trồng, quy trình kỹ thuật trồng và hỗ trợ cơ sở xây dựng nhà máy đóng gói" - ông Hưng thông tin.
Cũng theo chủ cơ sở này, bưởi da xanh của cơ sở ông đang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá khoảng 2 USD/kg nhưng nếu xuất khẩu được sang Mỹ thì giá sẽ tăng thêm khoảng 20%-30%.
"Tỉnh Bến Tre có dự án mở rộng 900 ha vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu đi các thị trường, trong đó cơ sở đã bao tiêu 600 ha. Tôi phải xây dựng mã số vùng trồng để khi Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch đối với bưởi da xanh thì có hàng ngay. Một khi đã có mã số vùng trồng rồi thì hàng có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường, chứ không riêng Mỹ hay Trung Quốc" - ông Hưng nói.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Lão nông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An), đang sở hữu 120 ha bưởi trồng tập trung cũng đã chuẩn bị cho sự kiện bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ từ vài năm trước. "Thị trường Mỹ có tiêu chuẩn rõ ràng nên người trồng dễ thực hiện. Dù nhiều nước trồng được bưởi nhưng nông dân mình có thể tự tin hàng Việt Nam có chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh quốc tế cao nhờ vùng nguyên liệu tập trung, dễ kiểm soát" - ông Huy nhìn nhận.
Liên quan đến kiểm dịch thực vật với quả bưởi, ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An), cho biết dự kiến cuối tháng 10 này, chuyên gia Mỹ sẽ sang để tiến hành kiểm tra liều hấp thụ của quả bưởi khi được xử lý trên thiết bị chiếu xạ (dose mapping) tại nhà máy Toàn Phát. Đây là 1 trong 2 nhà máy được Mỹ cấp phép chiếu xạ trái cây tươi.
"Qua khảo sát các nhà nhập khẩu tại Mỹ, bưởi Việt đang rất được mong chờ, đặc biệt là cộng đồng người châu Á. Dù Mỹ có nhiều nguồn cung cấp bưởi từ Mexico hay nội địa nhưng hương vị bưởi Việt, đặc biệt là bưởi da xanh, có nhiều lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi kỳ vọng với mặt hàng mới là bưởi sẽ thúc đẩy sản lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới" - ông Hiếu bày tỏ.
Là nhà xuất khẩu trái cây tươi lớn sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, dự báo trái bưởi sẽ mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nếu so với 6 loại quả đã được mở cửa trước đó là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.
"Vùng trồng bưởi Việt Nam không chỉ có diện tích lớn mà còn tập trung nên dễ áp dụng quy trình canh tác mà Mỹ yêu cầu, hàng có quanh năm và đặc biệt là công nghệ bảo quản bưởi lên đến 90 ngày. Bưởi là loại quả để được lâu, khi để lâu thì ăn càng ngon nên rất thuận lợi, giúp doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển với chi phí thấp và thời gian bán hàng dài" - ông Tùng phân tích.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, dự kiến trong tháng 11-2022 sẽ có lô hàng bưởi tươi đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ. Tỉnh Bến Tre - địa phương nổi tiếng với vùng bưởi da xanh - đã đăng ký tổ chức lễ xuất khẩu lô bưởi đầu tiên này.
Ca Linh - Ngọc Ánh/nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/co-hoi-lon-khi-ban-buoi-sang-my-20221019213108227.htm