Quản lý thị trường: Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thứ 6, 21.10.2022 | 08:51:48
1,537 lượt xem

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng, nhất là hoạt động mua bán trực tuyến thông qua mạng xã hội (MXH). Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… thông qua hoạt động TMĐT diễn biến rất phức tạp, số vụ vi phạm gia tăng hơn năm 2021.

Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở bán quần áo trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Để phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc bám sát địa bàn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm rõ từng cơ sở kinh doanh TMĐT. Từ ngày 1/1 đến ngày 16/10/2022, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 145 vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,4 tỷ đồng; tịch thu hàng nghìn đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm… không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 6 cho biết: Từ đầu năm 2022 đến ngày 16/10/2022, đội đã phát hiện, xử lý 15 cơ sở hoạt động kinh doanh bán hàng trực tuyến qua MXH (Facebook, Zalo) có hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Các cơ sở vi phạm đều sử dụng tài khoản MXH, thực hiện livestream (phát trực tiếp), giới thiệu, bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng các sản phẩm như: giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam (nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, D&G, Adidas, Boss, Chanel…).

Qua trao đổi với lãnh đạo một số đội QLTT biết rằng, hiện nay, hoạt động kinh doanh TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường bởi hầu hết các cơ sở kinh doanh thông qua các MXH chỉ cần tạo lập địa chỉ MXH là có thể bán hàng mà không cần thuê địa điểm cố định và có những trường hợp không đăng ký kinh doanh. Kinh doanh dễ dàng, doanh thu mang lại cao nên cơ sở hoạt động kinh doanh TMĐT vi phạm về bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, trước tình trạng như vậy, Cục QLTT tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT. Biện pháp đầu tiên mà cơ quan QLTT đang tiến hành là chủ động phối hợp với phòng chuyên môn của Công an tỉnh rà soát, phân loại doanh sách các trang web TMĐT, những địa chỉ MXH của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trực tuyến trên địa bàn tỉnh, từ đó sử dụng biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án điều tra, ngăn chặn hành vi vi pham. Cùng đó, nhằm thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh TMĐT, Cục QLTT tỉnh đã thành lập Tổ công tác về TMĐT để theo dõi tình, thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo trên địa bàn huyện Cao Lộc

Đồng thời, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, giao nhận hàng hóa…); tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong công tác QLTT nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm…

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các đội phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh TMĐT để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, lãnh đạo các đội QLTT để người dân biết, từ đó, kịp thời thông báo về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, qua đó góp xử lý, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên MXH của các tổ chức, cá nhân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/535140-quan-ly-thi-truong-kiem-soat-chat-hoat-dong-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu.html

  • Từ khóa