Lo ngại nhu cầu dầu yếu ở Trung Quốc và lãi suất tăng mạnh ở Mỹ đã đẩy giá xăng dầu tiếp tục lao dốc. Dầu WTI giảm xuống còn 88 USD/thùng, dầu Brent chưa đến 95 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 4-11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 12 “neo” ở mức 94,67 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu WTI giảm 0,17 USD, tương đương 0,19%, xuống mức 88 USD/thùng.
Giá xăng dầu giảm do sự mạnh lên của đồng USD. Ảnh minh họa: Tradingpedia.com |
Giá dầu giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày 3-11 khi Trung Quốc áp dụng chính sách “Không Covid” và đồng USD mạnh lên sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, mức lỗ được hạn chế do lo ngại về nguồn cung khan hiếm.
Giá dầu Brent giảm 1,49 USD, tương đương 1,55%, xuống mức 94,67 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,83 USD, tương đương 2%, xuống mức 88,17 USD/thùng.
Cả hai điểm chuẩn đã tăng hơn 1 USD phiên trước đó với sự hỗ trợ của dữ liệu sụt giảm trong dự trữ xăng, dầu của Mỹ ngay cả khi Fed tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm và Giám đốc Ngân hàng trung ương Mỹ Jerome Powell cho biết còn quá sớm để xem xét việc tạm dừng tăng lãi suất.
Phát biểu của ông Powell và việc tăng lãi suất của Fed đã đẩy đồng bạc xanh tăng cao, kéo theo sự sụt giảm trong giá dầu.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết: "Dầu đang phải đối mặt với cả triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD tăng mạnh”. Theo nhà phân tích này, có vẻ như những động lực giảm giá này sẽ không sớm giảm.
Reuters đưa tin, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm vào tuần trước cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mặc dù nhu cầu trong nước chậm lại trong bối cảnh Fed tăng lãi suất khủng để kiềm chế lạm phát.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thắt chặt chính sách. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 1989 nhưng nước Anh khả năng vẫn phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil cho biết sự lo lắng đang gia tăng về việc tăng trưởng trì trệ chắc chắn sẽ tác động đến nhu cầu dầu toàn cầu. Theo nhà phân tích này, ý tưởng về một đợt điều chỉnh giảm nhu cầu trong các dự báo sắp tới không phải là điều xa vời.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các trường hợp nhiễm Covid-19 đạt mức cao nhất trong hai tháng rưỡi làm giảm hy vọng của nhà đầu tư về việc nới lỏng các biện pháp kiềm chế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá xăng dầu đang tiếp tục hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Getty |
Ngoài ra, tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc có thể giảm lần đầu tiên vào năm nay trong vòng hai thập kỷ trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, với nhu cầu vào mùa đông năm nay sẽ tăng khiêm tốn hơn so với những năm trước. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày 2-11 đã cam kết rằng tăng trưởng vẫn là một ưu tiên.
Sự mất mát của giá dầu đã được hạn chế bởi kỳ vọng thị trường sẽ thắt chặt trong những tháng tới.
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5-12 và EU sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu vào tháng 2.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.873 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.756 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.070 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.783 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.082 đồng/kg.
MAI HƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/gia-xang-dau-hom-nay-4-11-tiep-tuc-lao-doc-709992