Đi mua xăng dầu nhưng chỉ thấy các biển báo tạm ngừng bán đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân miền tây, nhất là vào thời điểm mùa thu hoạch nông sản, mùa đánh bắt hải sản hay mùa lễ hội.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Hưng)
Ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay, miền tây Nam Bộ đã bắt đầu khan hiếm xăng dầu. Ban đầu là tỉnh Sóc Trăng, sau đó lan sang các địa phương khác. Tám doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong vùng cho biết, nguồn cung ứng xăng dầu tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu khó đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhiều tỉnh, thành phố tây Nam Bộ đã phải gửi công văn “cầu cứu” Trung ương, như Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị hỗ trợ cung ứng khẩn 73.560m3 xăng dầu; Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau gửi công văn đề nghị chỉ đạo các thương nhân đầu mối hỗ trợ cung ứng thêm nguồn xăng dầu cho các đại lý phân phối trên địa bàn…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước, bán ra trong kỳ với giá thấp, dẫn đến thua lỗ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, nhiều ý kiến cho rằng khu vực này có lượng lớn xăng dầu trôi nổi, xăng dầu lậu, giả. Vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân liên quan mua bán xăng dầu giả, xăng dầu lậu bị xử lý và chỉ còn xăng dầu chính thống. Trong khi người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối ổn định.
Câu chuyện diễn ra nhiều tháng nay, nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra. Ngay từ đầu tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1039/CĐ-TTg về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó có chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới...
Ngày 7/11, Bộ Công thương có công văn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; chú ý xử phạt hành vi găm hàng, bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác. Tuy nhiên quy định này có thể dẫn đến những ách tắc nếu áp dụng quá cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, sản xuất, kinh doanh bình thường tại một số ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn dân cư. Thí dụ vùng sông nước, bà con đi lại bằng phương tiện thủy là phổ biến, việc mua, trữ nhiên liệu cũng rất đặc thù, phải tính đến hài hòa không thể máy móc...
Ngoài tăng cường xử lý sai phạm, điều quan trọng nhất vẫn là sự chung tay của các cơ quan chức năng nhằm bám sát diễn biến thị trường, quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khong-cung-nhac-trong-cung-ung-xang-dau-post723670.html