TS Nguyễn Đức Độ đề xuất áp dụng cơ chế tự động bình ổn giá xăng dầu, tức thời điểm và mức trích hoặc xả quỹ sẽ không do cơ quan quản lý quyết định mà dựa trên các quy tắc.
Ngày 4/1, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023. Tại phiên thảo luận về diễn biến các thị trường riêng lẻ, mặt hàng xăng dầu được nhiều chuyên gia đề cập.
Từ năm 2020 đến nay, giá xăng dầu thế giới chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga với Ukraine. Từ đó, giá bán lẻ trong nước biến động mạnh. Sự biến động này đã làm bộc lộ một số điểm yếu của chính sách điều hành giá, trong đó nổ ra tranh cãi về việc có nên tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Phát biểu tham luận, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, đánh giá các kết quả đạt được từ quỹ bình ổn giá xăng dầu đến nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
"Điển hình là trong nhiều giai đoạn giá xăng dầu tăng mạnh, quỹ bình ổn lại không có đủ nguồn lực, mặc dù đây là lúc nền kinh tế cần quỹ nhất. Ngược lại, khi giá xăng dầu giảm, việc trích quỹ nhiều khi lại được thực hiện quá sớm, khiến người dân và doanh nghiệp không được hưởng lợi ngay. Đó là chưa kể một số thông tin liên quan đến hoạt động thu, chi của quỹ bình ổn giá xăng dầu còn chưa được công khai, minh bạch như mong đợi của xã hội", ông Độ nói.
Theo ông, những bất cập trên chủ yếu do việc dự báo giá xăng dầu rất khó. Nếu dự báo thiếu chính xác, sẽ dẫn đến việc xác định thời điểm và mức độ trích/xả quỹ trở nên không sát so với thực tế. Bên cạnh đó, các quyết định về trích/xả quỹ nhiều khi mang nặng tính chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tình hình trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam từ năm 2015 đến tháng 9/2022 (đơn vị tính: triệu đồng).
TS Nguyễn Đức Độ đề xuất áp dụng cơ chế tự động bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, cơ chế này sẽ trích quỹ khi giá xăng dầu ở mức thấp và xả quỹ khi giá xăng dầu ở mức cao. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm và mức trích/xả quỹ sẽ không do cơ quan quản lý Nhà nước quyết định mà dựa trên các quy tắc.
Việc xả quỹ chỉ được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bình ổn và trích quỹ khi giá cơ sở thấp hơn giá bình ổn. Mức trích hoặc xả quỹ sẽ bằng với mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bình ổn. Trong trường hợp giá cơ sở cao hơn giá bình ổn nhưng quỹ không còn nguồn lực để hỗ trợ, thuế xăng dầu sẽ tự động giảm để đưa giá cơ sở về mức giá bình ổn.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động chưa hiệu quả và cần áp dụng cơ chế trích/xả quỹ công khai. Bà Đào cũng kiến nghị đặt quỹ bình ổn tập trung tại Ngân hàng Nhà nước để dễ quản lý, không nên để phân tán tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như hiện nay và áp dụng mức lãi suất qua đêm cho quỹ này.
Trong khi đó, theo quan điểm của thạc sĩ Hoàng Thị Vân (Viện Kinh tế Tài chính) và bà Hoàng Thị Huyền Trang (khoa Kế toán, Đại học Công đoàn), trong giai đoạn hiện nay, khi giá xăng dầu có những biến động lớn do ảnh hưởng từ các yếu tố khó lường thì vẫn cần tiếp tục duy trì quỹ bình ổn.
Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình cho chiến lược tăng dự trữ xăng dầu quốc gia từ 1 đến 3 tháng. Khi nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia dồi dào, kết hợp với sử dụng công cụ thuế, có thể đối phó với những diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới.
Văn Hưng/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-xang-nong-ray-da-den-luc-bo-quy-binh-on-20230104123018598.htm