Đại diện một số doanh nghiệp cho biết không hề được giới thiệu chương trình vay ngắn hạn lãi suất tối đa 5,5%/năm dù chính sách này đã được triển khai 10 năm nay.
Nghe thông tin về chương trình cho vay ngắn hạn lãi suất tối đa 5,5%/năm dành cho doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE) - cho biết nhiều công ty thuộc hội từ trước đến nay hoàn toàn không biết đến việc này.
"Bây giờ chúng tôi muốn vay 5,5%/năm thì phải làm thế nào, liên lạc, tương tác với ngân hàng thế nào. Chúng tôi chỉ biết đến ngân hàng thì họ vẫn cho vay 9-10%, không hề có ai giới thiệu chương trình đó dù nhiều doanh nghiệp cơ khí điện hoàn toàn đủ điều kiện", ông Tống chia sẻ tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp và ngân hàng tại TPHCM sáng 28/2.
Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - thông tin chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi bằng đồng Việt Nam với 5 lĩnh vực ưu tiên không hề mới mà đã được ngành ngân hàng triển khai 10 năm qua. Lãi suất cho vay tối đa đối với chương trình này từ năm 2022 là 5,5%/năm, trước đó có thời điểm chỉ 4,5%/năm.
Tuy nhiên, do chương trình là ưu đãi nên doanh nghiệp cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chí như minh bạch về sổ sách, các số liệu tài chính được kiểm toán, kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận dương trong 3 năm liền kề trước thời điểm vay vốn. Chương trình này vừa tạo động lực cho các nhóm ngành ưu tiên quan trọng với nền kinh tế, vừa thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động tốt, hiệu quả, minh bạch tài chính, ngay từ quy mô nhỏ và vừa để được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh trả lời ý kiến của các doanh nghiệp sáng 28/2 (Ảnh: Việt Đức).
Ông Lệnh thông tin dư nợ hiện nay của chương trình này tại TPHCM là khoảng 200.000 tỷ đồng. Nhìn chung, tất cả ngân hàng đều có trách nhiệm thực thi chính sách. Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngân hàng định vị những phân khúc khách hàng riêng nên có thể khó thực hiện hơn. Do đó, ông Lệnh đề nghị doanh nghiệp nếu cảm thấy đủ điều kiện được vay ưu đãi ngắn hạn 5,5%/năm cứ đến ngân hàng trình bày hồ sơ, nếu gặp vướng mắc liên hệ trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ giải quyết.
Tương tự, với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% bị nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận, ông Lệnh cũng cho hay từng trường hợp cụ thể nếu gặp khó khăn khi muốn tiếp cận gói này cần liên hệ với cơ quan quản lý ngành ngân hàng để được hướng dẫn trực tiếp.
Theo ông, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai trong 2 năm 2022-2023, đến nay tốc độ giải ngân đã nhanh hơn nhưng nhìn chung vẫn còn chậm. Nguyên nhân đến từ việc phần cấp bù lãi suất được lấy từ nguồn ngân sách. Do đó, doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất từ chính sách này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về công khai, minh bạch số liệu, hoạt động kinh doanh. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng thận trọng, ngại ngần tham gia gói hỗ trợ này.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trước và sau Tết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp xúc với ông đề kêu 2 vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tiếp cận vốn và nếu có vốn thì lãi suất rất cao. Do đó, việc tổ chức sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng như hôm nay rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, Chủ tịch TPHCM lưu ý nếu các bên lâu lâu mới gặp nhau một lần thì cũng chưa giải quyết được hết vấn đề.
"Nếu cứ đến hẹn lại lên, hai bên gặp nhau, mỗi người nói một ít rồi về thì chưa hiệu quả. Chúng ta phải tính toán có một kênh kết nối nào đó để doanh nghiệp khi có vấn đề có thể phản ánh ngay, vừa gửi đến ngân hàng họ giao dịch, vừa phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước, vừa phản ánh đến TPHCM", ông Mãi nêu ý kiến.
Kết thúc hội nghị, 16 ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp tại TPHCM vay với tổng mức tín dụng 11.000 tỷ đồng.
Theo dantri.com.vn