Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tên tuổi bán lẻ trên khắp thế giới, khiến đường đua kinh doanh ngày càng khốc liệt. Để giành và giữ thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp.
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển.
Cuộc đua khốc liệt trên thị trường bán lẻ
Cuối tháng 2 vừa qua, Uniqlo - thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản đã công bố sẽ mở rộng hoạt động tại Bình Dương với kế hoạch khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố này trong mùa Xuân/Hè 2023.
Đây là cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Bình Dương và là cửa hàng thứ 16 của UNIQLO tại Việt Nam.
Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại thành phố này sẽ tọa lạc tại trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Bình Dương với đầy đủ tiện ích, phù hợp với đa dạng đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là đối tượng gia đình.
Chia sẻ về kế hoạch mở rộng lần này, ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết: "Hơn 3 năm phát triển, với 15 cửa hàng bán lẻ hiện diện tại 3 thành phố lớn cùng cửa hàng trực tuyến Uniqlo.com, là một hành trình đáng nhớ đối với chúng tôi, nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khách hàng và cộng đồng địa phương”.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá tiềm năng và có mức tăng trưởng cao và thu hút rất đông các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Cùng với khoản đầu tư của Tập đoàn Central Retail vào Việt Nam vào cuối tháng 2, những tín hiệu vui từ đầu năm này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, ngay từ những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tỷ lệ bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thậm chí, các năm 2007-2009, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tỷ lệ tăng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì từ 18–25%.
Chính vì thế thị trường giai đoạn này đã khá nhộn nhịp với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại như Cora (của Pháp, sau này là Centrall Retaill), Parkson (của Malaysia), Metro (của Đức, sau thuộc Thái Lan), Melinh Plaza (của Bahamas) đã nhanh chóng tham gia thị trường.
Trong nước, các hệ thống như Saigon Co.op, Satra, Hapro cũng từng bước đặt nền móng, giúp thị trường đi theo hướng phát triển hiện đại, kết nối được các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa, dịch chuyển theo thị trường các vùng dân cư, tạo nên sự tiện lợi trong mua sắm, tiêu dùng.
Uniqlo sẽ mở rộng hoạt động tại Bình Dương. |
Tuy vậy, tháng 1/2015, khi Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam, thì thị trường càng ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Theo đó, hàng loạt tên tuổi lớn như Aeon - Nhật Bản; Lotte - Hàn Quốc; Cresent Mall - Đài Loan (Trung Quốc) và các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore đã lần lượt đổ bộ vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư này có chiến lược đầu tư bài bản nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần bán lẻ được đánh giá là có tiềm năng của Việt Nam.
Cùng với sự vươn lên của các doanh nghiệp nội địa, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng khởi sắc.
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Với dân số hơn 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt. Do đó, rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay tại trong nước, chúng ta không thiếu gì hết. Tôi cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển lên một cấp khác nữa.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt không đứng ngoài cuộc
Trước sự gia nhập dồn dập của các nhà bán lẻ ngoại thông qua việc liên tục mở mới các trung tâm thương mại, điểm mua sắm, siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng đã và đang từng bước học hỏi theo xu thế phát triển của thế giới để nâng sức cạnh, giành lại thị trường.
Theo đó, ở phân khúc trung tâm thương mại, các tên tuổi nội như Vincom, Vạn Hạnh Mall, Sense City… đều từng bước tạo chỗ đứng và đầu tư cho mình một mô hình phát triển lý tưởng, một bản sắc riêng.
Ông Nguyễn Hiếu Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall cho biết, sau 5 năm hình thành và phát triển, đến hôm nay, thì điểm nhấn của Vạn Hạnh Mall là thành phố sách Phương Nam và rạp chiếu phim CGV lớn nhất thành phố; phòng tập Citigym lớn nhất trong trung tâm thương mại; đại siêu thị Co.opXtra; khu vui chơi giải trí Power Bowl; cửa hàng đồ gia dụng đến từ Mỹ Ace Home Center; hàng chục thương hiệu quần áo, giày dép, trang sức, mỹ phẩm nổi tiếng và hơn 50 thương hiệu ẩm thực trong và ngoài nước...
Tiêu chí phát triển của Vạn Hạnh mall là đa dạng ngành hàng, tập trung nhiều thương hiệu uy tín, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng.
Đối với phân khúc bán lẻ siêu thị, các tên tuổi nội như Saigon Co.op, Satra, Winmart… cũng đang không ngừng đổi mới mô hình hoạt động, thích ứng với các xu thế thay đổi của thị trường để chiếm lĩnh thị phần.
Theo đó, nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của nội địa thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước.
Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ nội, các doanh nghiệp Việt cho biết, dù thị trường có nhiều cạnh tranh song với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt cùng sự thay đổi để bắt nhịp xu thế, doanh nghiệp tin tưởng sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc.
Điển hình như Saigon Co.op, nhà bán lẻ thuần Việt với bề dày trên 30 năm đang giành vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Để làm được điều này, Saigon Co.op cho biết phải liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu…
Đặc biệt, trong chiến lược hoạt động năm 2023, nhà bán lẻ này đã đề ra định hướng tiếp tục tập trung nguồn lực để chấn chỉnh, củng cố các hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo.
Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Chính vì thế, cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Dù vậy, “cửa thắng” vẫn còn rộng mở cho tất cả, bao gồm cả doanh nghiệp nội nếu chiến lược kinh doanh và đầu tư bài bản, đúng hướng, đúng thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/bung-no-dau-tu-vao-thi-truong-ban-le-post744463.html