Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Thứ 2, 17.04.2023 | 14:42:08
943 lượt xem

Hiện không còn nhiều cơ hội cho hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định số 14/2018 của Chính phủ về hoạt động thương mại biên giới để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Dự thảo đưa lộ trình, từ ngày 1-1-2025, hàng xuất tiểu ngạch sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Và đến ngày 1-1-2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Ngày càng bấp bênh

Điểm nổi bật của lần sửa đổi này là đưa hoạt động mua bán hàng hóa của cư dân biên giới, thường gọi là xuất khẩu tiểu ngạch về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng để buôn bán lớn; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua.

Trong tờ trình gửi Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Nghị định số 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương nêu rõ trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại khu vực biên giới; siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu. Chính vì vậy, phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn có nhiều cơ hội cho hàng nông thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng nông thủy sản chưa đăng ký truy xuất nguồn gốc.

Nhiều nông sản của Việt Nam dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (như nhiều loại trái cây, thịt heo) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân. Các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu các lô hàng lớn. Hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch sau khi qua biên giới, sẽ được gom về tiêu thụ tại các chợ biên giới bên phía Trung Quốc. 

"Có thể nói, các ưu đãi của Trung Quốc đối với hình thức "trao đổi cư dân" kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành hình thức "xuất khẩu tiểu ngạch". 

Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như chanh leo, na, roi) hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc (như không có mã số vùng trồng, mã số DN...). 

Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy đã được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sản phẩm sắn, quả vải) vẫn chủ động chuyển sang hình thức tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc" - Bộ Công Thương phân tích.

Từ thực tế của một DN logistics, ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cho hay xuất khẩu tiểu ngạch hiện nay không còn nhiều lợi thế như trước khi một số hải quan cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu yêu cầu chủ hàng Việt Nam phải xuất trình các giấy tờ tương tự như khi xuất khẩu chính ngạch.

Ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến (tỉnh Quảng Ninh), xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc dạng cư dân biên giới - cũng cho biết hải quan Trung Quốc yêu cầu lô hàng phải có chứng thư kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cung cấp chứ không được miễn trừ.

Bài toán xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn còn đang rất nhộn nhịp, chủ yếu là các mặt hàng nông thủy sản Ảnh: Minh Chiến

Nhiều rủi ro

Bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP HCM), chuyên xuất khẩu hải sản tươi sống như: tôm hùm, tôm sú, cua Cà Mau - nói rằng trong điều kiện thương mại bình thường "ai cũng thích tiểu ngạch" bao gồm cả bên bán lẫn bên mua vì thủ tục đơn giản, chi phí rẻ. Tôm hùm có giá trị rất cao, riêng việc được miễn thuế GTGT 13% là số tiền không hề nhỏ. 

"Nhưng xuất khẩu tiểu ngạch thì chỉ bán được cho tỉnh Quảng Tây, qua cửa khẩu Đông Hưng (phía Việt Nam là cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), không thể bán cho Thượng Hải, Quảng Châu. Chưa kể, khi chấp nhận bán hàng tiểu ngạch, hàng đã đưa sang biên giới thì giá nào cũng phải bán vì nếu quay xe đưa về tôm hùm, cua biển chết, thiệt hại còn nặng hơn" - bà Thư bày tỏ.

Hiện tại, DN của bà Thư vừa xuất khẩu chính ngạch vừa xuất khẩu tiểu ngạch, tùy yêu cầu của bên mua nhưng quan sát thị trường Trung Quốc, hầu hết các đối thủ cung cấp cùng mặt hàng từ Nam Phi, Philippines đều đã xuất khẩu chính ngạch, Việt Nam rồi cũng phải chuyển hướng theo xu thế chung.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, thông tin ngành sắn Việt Nam hằng năm xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 3 triệu tấn tinh bột sắn, trong đó có 60% xuất khẩu theo tiểu ngạch. 

"Chính sách của Trung Quốc đối với nhập khẩu dạng cư dân biên giới không ổn định, nhất là tình trạnh các cửa khẩu dành cho thương mại biên giới đóng - mở thất thường khiến DN bị thiệt hại vì không điều chỉnh kịp. Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu của Trung Quốc lại có quy định riêng chất lượng, mẫu mã, bao bì khiến DN lúng túng, phải hủy rất nhiều bao bì in sẵn để in lại" - ông Tiến dẫn chứng.

Từ thực tế của DN mình, ông Trần Văn Út còn cho hay xuất khẩu thủy sản tươi sống dưới dạng cư dân biên giới không thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn khi báo cáo tài chính với cơ quan thuế. "Chúng tôi cần được hướng dẫn cụ thể về thanh toán hợp pháp cho phương thức xuất khẩu này, nếu không sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập DN, chúng tôi không thể giải trình được" - ông Út lo lắng.


Ngọc Ánh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/bai-toan-xuat-khau-tieu-ngach-sang-trung-quoc-20230416202415644.htm

  • Từ khóa