Bán lẻ công nghệ, điện máy so kè khốc liệt

Chủ nhật, 23.04.2023 | 08:37:15
491 lượt xem

Tuyên bố sẽ rút ngắn khoảng cách giá bán lẻ sản phẩm Apple với các hệ thống khác của "ông lớn" Thế Giới Di Động lập tức gặp sự đáp trả không khoan nhượng

Mới đây, tại đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT công ty, đã công bố chiến lược mới đối với sản phẩm Apple. Cụ thể, trước đây, TGDĐ không quá căn ke về chênh lệch giá iPhone, Macbook... với các hệ thống đối thủ nên có những thời điểm, giá của TGDĐ cao hơn cửa hàng khác đến vài triệu đồng/sản phẩm. Sắp tới, TGDĐ sẽ không để chênh lệch giá trở thành khe hở để đối thủ "hốt" khách hàng.

Đáp trả không khoan nhượng

Ngay sau khi thông điệp của TGDĐ được đưa ra, nhiều hệ thống bán lẻ đã có phản ứng đáp trả không khoan nhượng. Đại diện hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết hệ thống trước nay có thế mạnh giá tốt và khẳng định "không ngán ngại bất cứ đối thủ nào". "Nếu đối thủ có động thái giảm giá thì lập tức chúng tôi cũng sẽ giảm giá sâu hơn. Để hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn và xử lý lượng hàng tồn còn nhiều thì chuyện lời lỗ có thể tính sau" - đại diện siêu thị điện máy Chợ Lớn thẳng thắn.

Bán lẻ công nghệ, điện máy so kè khốc liệt - Ảnh 1.

Sau nhiều lần đạp giá, các sản phẩm iPhone ở Việt Nam có giá bán lẻ được xem là rẻ nhất thế giới trong thời điểm này

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, ban lãnh đạo hệ thống bán lẻ FPT Retail (FRT) nhận định năm 2023, công ty sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức khi sức mua hàng công nghệ của chuỗi FPT Shop giảm mạnh, chi phí tài chính tăng cao, thị trường mua trả góp suy giảm... Trong bối cảnh giá các mặt hàng công nghệ, nhất là iPhone giảm sâu, FTP Shop không tránh khỏi việc phải hạ giá bán lẻ theo thị trường. "Với giá bán iPhone ở Việt Nam hiện nay, hầu hết nhà bán lẻ đều lỗ. Thị trường khó khăn sẽ dẫn tới cạnh tranh về giá nhưng về lâu dài có nguy cơ kéo nhau xuống mà không ai "ăn" được thị phần của ai. Tạo nên cuộc chiến về giá không phải là cách làm hay" - đại diện FTP Shop nêu quan điểm.

Phía CellphoneS tự tin cho biết luôn sẵn sàng với bất cứ cuộc chiến về giá nào trên thị trường, nhờ sử dụng hệ thống cập nhật giá "realtime" hiện đại bậc nhất trên thị trường. Với hệ thống này, nhà bán lẻ sẽ có thông tin tức thời, từ đó chủ động đặt được mức giá bán online và offline thấp hơn so với đối thủ chỉ sau chưa đến 5 giây. "Việc phá giá các sản phẩm Apple giữa các chuỗi bán lẻ đã diễn ra từ quý đầu năm 2023 do áp lực tồn kho quá lớn. Các doanh nghiệp cần giải quyết khó khăn về dòng tiền, nhất là những nhà bán lẻ có những khoản đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây áp lực trở lại với ngành kinh doanh chính là điện thoại, điện máy" - đại diện CellphoneS thông tin.

Ông Hồ Tác Thành, Giám đốc hệ thống 24h Store, cho biết hàng nhập về nhiều nhưng sức mua yếu nên nhà bán lẻ phải giảm giá liên tục. Chẳng hạn, giá iPhone 14 Pro 128 GB chỉ còn 24,99 triệu đồng, giảm thêm gần 500.000 đồng so với tuần trước, nâng tổng mức giảm lên đến 7 triệu đồng so với giá niêm yết. Giá iPhone 14 Pro Max 128 GB chỉ còn 26,89 triệu đồng, giảm gần 1 triệu đồng so với tuần trước, nâng tổng mức giảm so với giá niêm yết lên đến 10 triệu đồng. Tương tự, các phiên bản dung lượng 256 GB và 512 GB của iPhone 14 Pro Max còn lần lượt 29,49 triệu đồng và 35,79 triệu đồng. iPhone 13 giảm đến 7 triệu đồng so với giá niêm yết, chỉ còn từ 16,69 triệu đồng cho phiên bản 128 GB và 20,99 triệu đồng cho bản 256 GB.

Tương tự, mặt hàng điện máy thông thường có tồn kho cho 1-3 tuần bán hàng thì nay tăng lên 3-4 tháng bán hàng. Theo đó, toàn thị trường đang tồn 600.000 tủ lạnh, 600.000 máy giặt và 800.000 ti vi. Các hệ thống bán lẻ đua nhau "đạp" giá hàng điện máy với mức giảm mạnh 30%-50% so với năm ngoái.

Doanh nghiệp nhỏ dễ sống hơn?

Khác với các nước khác thường có khoảng 3-4 nhà bán lẻ công nghệ chia nhau thị phần, tại Việt Nam, 60% thị phần bán lẻ điện thoại di động nằm trong tay TGDĐ, dẫn đến sự độc quyền lớn. Không chỉ nhãn hiệu Apple, hầu hết mặt hàng từ điện gia dụng đến hàng điện tử, điện lạnh của TGDĐ đều có giá cao hơn các nhà bán lẻ khác. Thậm chí, nhiều hãng chấp nhận đưa hàng vào hệ thống của TGDĐ dù thanh toán rất chậm bởi hệ thống cửa hàng rộng khắp, người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, doanh số lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, TGDĐ duy trì được lợi nhuận cao từ việc mua vào với giá rẻ nhất từ hãng và nhà phân phối rồi bán ra với giá cao nhất cho người tiêu dùng. Lãi gộp bán hàng của toàn hệ thống TGDĐ là hơn 25%, cao hơn rất nhiều so với các nhà bán lẻ quy mô nhỏ hơn. "Trong điều kiện thông thường, phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng của TGDĐ vì danh tiếng và độ phủ thị trường quá lớn. Ngay cả các hãng và nhà phân phối cũng phải phụ thuộc vào "ông lớn" này để có doanh số, chiếm lĩnh thị phần. Khi nhu cầu thị trường ở mức đáy, doanh số sụt giảm quá nhiều, việc TGDĐ hạ giá sản phẩm, thậm chí cạnh tranh giá sát ván với các nhà bán lẻ nhỏ là hiển nhiên và có thể dự báo được" - một chuyên gia lĩnh vực bán lẻ phân tích.

Nêu dẫn chứng tương tự, ông Ngô Hoàng Thanh - phụ trách kinh doanh tại siêu thị điện máy ở quận 10, TP HCM - cho biết khoảng 10 năm trước, siêu thị điện máy Nguyễn Kim tự định vị là địa điểm mua sắm sang trọng nên bán sản phẩm cao hơn các hệ thống khác. Tuy nhiên, vài năm gần đây, siêu thị Nguyễn Kim đã điều chỉnh giá bán về mức tương đương các hệ thống khác để cạnh tranh tốt hơn.

Ở góc độ khác, theo giới chuyên gia, trong thời điểm thị trường khó khăn, chuỗi bán lẻ có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp thì khả năng xoay xở và tồn tại sẽ tốt hơn. Mặc dù nhà bán lẻ nhỏ vốn đã duy trì mức lãi gộp thấp và chịu sức ép phải nâng giá bán từ hãng cũng như nhà phân phối song đây cũng là cơ hội để họ tiếp tục giảm chi phí vận hành, thích ứng với tình hình thị trường mới. 


Long Giang/nld.com.vn

https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/ban-le-cong-nghe-dien-may-so-ke-khoc-liet-20230422204929227.htm

  • Từ khóa