Giá xăng dầu tuần này trải nghiệm tuần leo dốc sau 7 tuần “trượt dốc không phanh”.
Giá dầu thế giới
Tuần này là tuần đầu tiên giá dầu ghi nhận tuần tăng giá. Sự leo dốc của giá dầu phần lớn được hỗ trợ bởi đồng USD yếu, và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2024.
Giá dầu tuần này đã lấy lại đà tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ chưa đến 20 cent do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ không thể bù đắp hoàn toàn những lo lắng xung quanh tình trạng dư cung dầu thô và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu hơn trong năm tới.
Lo ngại về tình trạng dư cung và dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng bất ngờ đã đẩy giá dầu giảm mạnh hơn 3% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ bất ngờ tăng 0,1% do giá xăng giảm càng củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khó có khả năng cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. CPI cơ bản tăng 0,3%.
Thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 8-12, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 2,349 triệu thùng; tồn kho xăng tăng 5,8 triệu thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 300.000 thùng. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 4,3 triệu thùng dầu thô, cao hơn dự kiến, do nhập khẩu giảm.
Chính mức tồn kho của Mỹ giảm và lo ngại tình hình an ninh ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ khu vực này sau vụ tấn công tàu chở dầu ở Biển Đỏ đã thúc đẩy giá dầu bật tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, đồng thời kéo dài đà tăng thêm hơn 3% sang phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Đáng chú ý là trong phiên giao dịch thứ 4 của tuần, hai nhân tố chính hỗ trợ đà leo dốc của giá dầu là sự suy yếu của đồng USD và sự nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm tới của IEA.
Trong phiên này, đồng USD đã trượt xuống mức thấp nhất trong 4 tháng (101,76) sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết việc tăng lãi suất có thể đã kết thúc và chi phí đi vay sẽ giảm trong năm 2024.
Dự báo tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày, tăng 130.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó của mình, IEA cho biết sự tăng này là do triển vọng của Mỹ được cải thiện và giá dầu giảm.
Mức dự báo của IEA chưa bằng một nửa so với dự báo của OPEC trước đó một ngày. OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 là 2,25 triệu thùng/ngày.
Tồn kho dầu của Mỹ giảm hỗ trợ giá dầu tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Mức giảm tối đa 15 cent của dầu Brent và WTI ở phiên giao dịch thứ 5 của tuần không đủ để giúp giá dầu kéo dài chuỗi giảm 7 tuần kỷ lục của mình.
Tính cả tuần, dầu Brent tăng 71 cent, dầu WTI tăng 20 cent. Mức tăng khiêm tốn này đủ để cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn ghi nhận tuần tăng đầu tiên, chấm dứt chuỗi 7 tuần giảm.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-12 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.512 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 21.405 đồng/lít. Dầu diesel không quá 19.010 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 19.964 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.978 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điểu hành giá chiều 14-12. Theo đó, dầu hỏa giảm nhiều nhất, 958 đồng/lít; dầu mazut giảm thấp nhất, 549 đồng/kg. Hai mặt hàng xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm lần lượt là 778 đồng/lít và 917 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành ngày 14-12, liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích), không trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 36 đợt điều chỉnh, trong đó 18 lần tăng, 14 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Theo qdnd.vn