Năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất thậm chí phải đóng cửa… Thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành gỗ...
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TAVICO (Đồng Nai). |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kim ngạch xuất khẩu của ngành lâm nghiệp hết năm 2023 chỉ đạt 14,39 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Thị trường hiện đã có những dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề khác, ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của sản xuất và xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6 năm 2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải bảo đảm tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Cùng với EU, nhiều thị trường khác cũng đang đặt ra các chính sách mới khá nghiêm ngặt, gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu gỗ. Thị trường Mỹ yêu cầu gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ, đồng thời cũng yêu cầu việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động. Nhật Bản cũng yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững.
Tại Đức, hiện đang áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải và các chứng chỉ liên quan khác...
Canada hiện có xu hướng đặt ra nhiều quy định về môi trường trong chiến lược thiết kế sản phẩm, sản xuất và thị trường. Mới đây, Chính phủ nước này đã công bố tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo với Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa. Điều này sẽ có một số tác động đối với hầu hết các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ bao bì hàng tiêu dùng, cho đến các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn khác.
Tiếp đến, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải các-bon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net-zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng các-bon cao sẽ trở nên đắt đỏ và sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5-2 triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới tình hình gỗ Việt xuất khẩu mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và nhất là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.
Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam Vũ Tấn Phương khẳng định, phát thải trong chuỗi cung ngành gỗ và khả năng thích ứng với các quy định hiện hành và trong tương lai đang đặt ra nhiều yêu cầu chuyển đổi về cơ chế, chính sách và chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ. Đây là một thách thức lớn đòi hỏi các doanh nghiệp gỗ phải vượt qua.
Đến nay, các hoạt động xuất, nhập khẩu ngành gỗ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng và kim ngạch. Sụt giảm ở khâu đầu ra sản phẩm, nhất là tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, kéo theo sự giảm mạnh trong nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu và nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Suy giảm của thị trường, cả về khía cạnh đầu ra xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào sản xuất diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và các thị trường đưa ra các quy định mới nhằm kiểm soát chuỗi cung chặt chẽ hơn, bảo đảm sản phẩm hợp pháp và bền vững.
Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất, nhập khẩu. Các thông tin thay đổi chính sách nêu trên cùng với các tín hiệu của thị trường đầu ra sản phẩm xuất khẩu không mấy sáng sủa, cho thấy năm 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thử thách của ngành gỗ Việt Nam…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhieu-thach-thuc-dat-ra-trong-linh-vuc-xuat-khau-go-post790246.html