Riêng trong tháng 1, lượng khẩu trang Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng 260% so với mức trung bình của năm 2019.
Thông tin trên được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết chiều ngày 6/2. Theo vị này, khẩu trang xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến đầu năm nay, cùng với thời điểm bùng phát cao điểm dịch virus corona ở Trung Quốc.
Riêng tại hai cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma ở Lạng Sơn, hơn 4,2 triệu chiếc khẩu trang y tế đã được xuất sang Trung Quốc chỉ từ 29/1 đến 3/2. Đây cũng là thời điểm khẩu trang, nước rửa "cháy" hàng, tăng giá tại Việt Nam trước lo ngại dịch viêm phổi lên cao.
Sản xuất khẩu trang vải nano tại nhà máy ở Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Thành |
Theo thống kê của Hải quan Lạng Sơn, ngoài khẩu trang y tế, còn gần 800.000 khẩu trang các loại khác như chống bụi, 3 lớp, 4 lớp, 5 lớp cũng được xuất đi Trung Quốc trong giai đoạn trên.
Tính đến ngày 4/2, cửa khẩu Hữu Nghị còn 150.000 chiếc khẩu trang 4 lớp của một doanh nghiệp đang chờ xuất, trong khi cửa khẩu Chi Ma cũng còn hơn 1,3 triệu chiếc khẩu trang y tế chờ thông quan.
Về việc sản xuất các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn tại thị trường trong nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cần có giải pháp tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp thời kỳ dịch bệnh.
Ông dẫn chứng, do nhu cầu tăng đột biến, khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua khan hàng, giá đẩy lên cao. Nguyên liệu chính sản xuất mặt hàng này là vải lọc kháng khuẩn, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, Chính phủ đã quyết định miễn thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm khẩu trang, nước sát khuẩn nhập khẩu.
Theo tính toán, việc miễn thuế này khiến ngân sách bị thất thu khoảng 400-500 tỷ đồng, nhưng Phó thủ tướng nói "không đáng gì so với việc chúng ta tập trung phòng, chống dịch bệnh".
Còn theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hiện nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 4-5 lần so với trước, khiến giá thành sản xuất mặt hàng này bị đẩy cao.
Anh Tú - Anh Minh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/kinh-doanh/luong-khau-trang-xuat-sang-trung-quoc-tang-dot-bien-4051207.html