Hiện, giá bán ra với vàng miếng SJC trong nước là 76,98 triệu đồng/lượng, cao hơn quốc tế khoảng 3,8 triệu đồng, và cao hơn vàng nhẫn 1,8 triệu đồng.
Mở phiên ngày 7/6, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi so với kết phiên hôm qua. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tăng lên 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn sáng nay niêm yết tại 73,5-75,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), cũng không đổi so với trước đó.
Trước đó, trong ngày 6/6, giá vàng miếng SJC giảm 1,5 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng ở chiều bán ra so với giá mở phiên.
Ngày 6/6, giá vàng miếng SJC được 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC tiếp tục giảm 1 triệu đồng so với chiều 5/6 và thấp hơn 3 triệu đồng so với ngày 3/6 - hôm đầu tiên các ngân hàng bán vàng.
Như vậy, so với lúc mở phiên đầu tuần (3/6), mỗi lượng vàng miếng đã "bốc hơi" 5,52 triệu đồng ở chiều bán ra và hơn 5 triệu đồng ở chiều mua vào. Nếu so với đỉnh kỷ lục 92,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra (ngày 10/5), giá đã giảm 15,52 triệu đồng, tương đương mức giảm gần 17%.
Giá vàng nhẫn hiện được các "nhà vàng" niêm yết tại 73,5-75,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng ở cả chiều mua và bán so với kết phiên ngày 5/6. Giá vàng nhẫn chỉ còn thấp hơn vàng miếng SJC 1,8 triệu đồng/lượng thay vì hơn chục triệu đồng như trước.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng sáng nay đạt 2.373 USD/ounce, tăng 22 USD so với trước đó. Vàng thế giới ghi nhận 2 phiên tăng liên tiếp, tương đương mức tăng 50 USD chỉ sau 2 ngày.
Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng miếng trong nước đắt hơn quốc tế khoảng 3,8-4,5 triệu đồng, tùy thời điểm. Cách đây một tháng, khoảng cách giữa vàng trong nước từng lên tới 18-20 triệu đồng. Giá vàng nhẫn trong nước hiện chỉ cao hơn quốc tế khoảng 2-3 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục đà giảm (Ảnh: Mạnh Quân).
Vàng thế giới chạm mốc cao nhất trong 2 tuần khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau báo cáo lao động Mỹ mới nhất. Dữ liệu cho thấy dấu hiệu "hạ nhiệt" của thị trường lao động đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Giới đầu tư hiện vẫn nóng lòng chờ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ để chắc hơn về kỳ vọng này.
Số lượng việc làm phi nông nghiệp quan trọng được dự báo tăng 178.000 so với báo cáo tháng 4 với mức tăng 175.000 việc làm. Báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân trong tháng 5 của ADP công bố vào giữa tuần này đã cho thấy thị trường lao động Mỹ đang dần hạ nhiệt.
Chuyên gia phân tích thị trường, Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money, cho rằng giá vàng được hỗ trợ bởi kỳ vọng về sự suy thoái của nền kinh tế đầu tàu thế giới và sự ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong vài tháng tới.
Các chuyên gia phân tích của Metals Focus nhận định giá vàng có thể chạm mốc kỷ lục trong năm nay chỉ là vấn đề thời gian. Kinh tế suy yếu và thị trường lao động "hạ nhiệt" sẽ buộc Fed phải cắt giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, triển vọng tài chính toàn cầu, bất ổn địa chính trị và nền kinh tế suy yếu đã và đang giúp giá vàng vượt qua sức mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu cao hơn.
Giám đốc Neil Meader của Metals Focus dự báo vàng có khả năng đạt mức cao mới mọi thời đại vào cuối năm nay và sẽ đạt trung bình khoảng 2.250 USD/ounce trong năm nay, tăng 16% so với mức giá trung bình kỷ lục năm ngoái.
Giá USD tự do giảm sâu
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 104,1 điểm, tăng 0,04% so với hôm qua và tăng 2,68% từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.241 đồng, không thay đổi so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.028-25.453 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.183-25.453 đồng, giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.237-25.453 đồng, giảm 3 đồng ở chiều mua vào.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.590-25.680 đồng/USD (mua - bán), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và giảm 20 đồng ở chiều bán ra.
Theo dantri.com.vn