Sụt giảm doanh số bán hàng trực tiếp, các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ chuyển hướng tìm kiếm thị phần trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...
Nhờ phát triển kênh bán hàng online nên không ít siêu thị, cửa hàng điện máy, công nghệ vẫn tồn tại được dù ngày càng vắng khách đến mua hàng trực tiếp.
Thay đổi chiến lược kinh doanh
Ứng phó với sức mua ảm đạm do kinh tế khó khăn, các nhà bán lẻ điện máy, công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ chiến lược kinh doanh.
Ngày càng vắng khách đến mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị điện máy, công nghệ...
Trước đây, trong những dịp lễ, Tết hoặc thời điểm diễn ra các giải bóng đá quốc tế, các hệ thống bán lẻ thường tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, bốc thăm trúng thưởng với quà tặng lớn như ô tô, chuyến du lịch châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc... Năm nay thì khác, dù vòng chung kết Euro 2024 đã chính thức diễn ra tại Đức song hầu như không có nhà bán lẻ nào mặn mà tổ chức chương trình ưu đãi "ăn theo" giải bóng đá này. "Tổ chức các chương trình khuyến mãi rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả trong lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi không triển khai trong mùa Euro này để tránh gây lãng phí" - ông Đoàn Minh Hoàng, phụ trách kinh doanh - marketing một siêu thị điện máy ở quận 5 (TP HCM), giải thích.
Một số hệ thống bán lẻ đóng bớt cửa hàng hiện hữu, chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online từ 2 - 3 năm trở lại đây để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả. Khách hàng cũng có thể tiết kiệm thời gian khi mua hàng online bởi chỉ cần chọn mẫu, màu, model, tham khảo thông số kỹ thuật... là có thể "chốt đơn" mà không cần đến tận nơi xem hàng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, xác nhận gần đây khách đến mua hàng trực tiếp giảm khá đáng kể nên hệ thống đã đóng cửa hơn 100 cửa hàng kinh doanh không hiệu quả để tập trung vào những kênh bán hàng hiệu quả hơn. Trong khi đó, số cửa hàng FPT Shop bị đóng cửa cũng lên tới 35.
Tận dụng triệt để không gian mạng
Thay vì đầu tư cho các cửa hàng trực tiếp với hàng loạt chi phí điện, nước, mặt bằng, lương nhân viên..., nhiều hệ thống bán lẻ tận dụng triệt để không gian mạng để gia tăng thị phần.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Marketing hệ thống Di Động Việt, cho hay doanh số bán hàng trực tuyến của Di Động Việt hiện chiếm 35% tổng doanh số, trong đó riêng bán hàng qua website chiếm đến 22%. Đánh giá livestream bán hàng là giải pháp bán hàng tiềm năng, Di Động Việt đã từng tổ chức những phiên live 24 giờ cùng hoa hậu, nghệ sĩ, KOLs, KOCs... và nhận về doanh số cũng như mức độ tương tác của khách hàng vượt mong đợi. Trong mỗi phiên live đặc biệt với thời gian dài, doanh số ghi nhận tăng gấp 3 - 5 lần so với livestream thông thường nên hệ thống Di Động Việt vẫn duy trì thực hiện mỗi ngày.
"Trong 2 năm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, Di Động Việt duy trì khoảng hơn 1.000 phiên livestream/tuần. Bên cạnh hợp tác livestream với KOLs, KOCs, chúng tôi sẽ mở rộng thêm hình thức tiếp thị liên kết đa nền tảng (affiliate) để có thể đến gần khách hàng hơn trên các kênh của họ" - bà Vân cho biết.
Đại diện FPT Shop, CellphoneS, Thế Giới Di Động đều thông tin doanh số bán hàng trực tuyến đã đạt 20% tổng doanh số và đang tiếp tục tăng lên. Theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại FPT Shop, trước đây, đa phần khách hàng có thói quen đến cửa hàng để được trải trải nghiệm thực tế; được nhân viên tư vấn lựa chọn sản phẩm có tính năng, cấu hình phù hợp với nhu cầu. "Tuy nhiên, với xu thế công nghệ mở như hiện nay, khách hàng muốn việc mua sắm thuận tiện hơn. Chẳng hạn, gọi điện đặt hàng; đặt online, thanh toán và giao hàng tại nhà; tương tác và mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội hay xu hướng mới nhất là mua trên các phiên livestream bán hàng" - ông Kha nêu thực tế.
Để phát huy hiệu quả kinh doanh, ông Kha cho rằng các nhà bán lẻ cần đa dạng hình thức bán hàng nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng cơ hội cho nhà bán lẻ tiếp cận tệp khách hàng mới, khách hàng trẻ. "FPT Shop luôn sẵn sàng đưa kênh bán hàng online tiếp cận và cung cấp sản phẩm, dịch vụ kịp thời cho nhóm khách hàng trẻ. Ngoài nền tảng TikTok Shop, chúng tôi còn có các kênh bán hàng online đa dạng như website, fanpage, Zalo... với hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày" - Giám đốc thương mại FPT Shop giới thiệu.
Theo đại diện Thế Giới Di Động, mua sắm trực tuyến đang là xu hướng không thể thay đổi, gắn liền với chính sách giá rẻ và nhiều ưu điểm như dễ dàng so sánh giá, không tốn thời gian đi đến các điểm bán hàng trực tiếp... Mặt khác, hệ thống logistics ở Việt Nam đang được cải thiện đáng kể về tốc độ, giá cả, chất lượng nên có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/dien-may-cong-nghe-song-duoc-nho-ban-hang-online-196240615205344374.htm