Giá vàng thế giới giảm sâu do chịu áp lực trước sự tăng lên của đồng USD và lợi suất trái phiếu, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố cuối tuần.
Vàng thế giới giảm sâu
Kết thúc phiên ngày 26/6, giá vàng miếng SJC vẫn được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi sau 16 phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua, bán là 2 triệu đồng/lượng.
So với mức đỉnh 92,4 triệu đồng thiết lập ngày 10/5, giá vàng miếng đã giảm hơn 15 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng nhẫn kết phiên hôm qua niêm yết tại 73,85-75,45 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng mỗi chiều so với trước đó.
Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng ra thị trường thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng quốc doanh và Công ty SJC. Hơn hai tuần qua, giá bán vàng từ Ngân hàng Nhà nước không đổi nên giá bán vàng của các nhà băng và Công ty SJC vì thế cũng đứng yên.
Thị trường vàng trong nước "bất động" còn trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.300 USD/ounce, giảm tiếp 19 USD so với trước đó và về mức thấp nhất hơn một tháng.
So với tuần trước, giá kim loại quý đã giảm 70 USD/ounce. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí còn thấp hơn giá vàng miếng khoảng 5-6 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là hơn 3,5-4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã giằng co liên tục trong thời gian gần đây, với những phiên giảm xen kẽ với những phiên tăng. Vàng 3 phiên gần đây liên tục giảm giá do động lực tăng trong ngắn hạn đang cạn kiệt.
Tâm lý nhà đầu tư được cho là sẽ còn bấp bênh trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ 6 tuần này. Đây là dữ liệu có thể giúp định hình rõ nét hơn các kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Giá vàng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối chính của kỳ vọng lãi suất Fed. Sự giằng co của giá vàng những phiên gần đây phản ánh thực tế đang thiếu những số liệu kinh tế cụ thể để định hình chính sách của Fed trong nửa sau năm nay", nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định.
Nhà phân tích Barbara Lambrecht của ngân hàng Commerzbank dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giằng co trong vùng hẹp cho tới khi có một cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Fed. "Chúng tôi cho rằng khả năng tăng giá của vàng trong ngắn hạn là hạn chế, vì đợt giảm lãi suất đầu tiên của Mỹ chỉ có thể diễn ra vào cuối năm nay", bà nói.
Giá vàng thế giới lao dốc (Ảnh: Tiến Tuấn).
Giá vàng thế giới đã lập kỷ lục ở mức gần 2.450 USD/ounce vào hôm 20/5 và đã tăng 11% kể từ đầu năm. Động lực tăng cho giá vàng năm nay là kỳ vọng Fed giảm lãi suất, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị.
Giá USD tự do tăng mạnh
Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - có xu hướng mạnh lên trong 2 tuần qua, hiện neo quanh 105,97 điểm, tăng 0,36% so với phiên liền trước đó.
Ngân hàng Nhà nước kết phiên hôm qua niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.258 đồng, tăng 5 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.045-25.470 đồng.
Các ngân hàng đều niêm yết giá bán USD ở mức trần cho phép. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.220-25.470 đồng. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.283-25.470 đồng.
Các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.880-25.960 đồng/USD, tăng 10 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Như vậy, giá USD tự do tăng 60 đồng sau 2 phiên, ghi nhận mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-the-gioi-lui-ve-2300-usdounce-20240627003840613.htm