Giá xăng dầu thế giới tuần này vẫn kết thúc tuần ở mức dưới 80 USD/thùng.
Giá dầu thế giới
Giá dầu tuần này biến động mạnh trong từng phiên giao dịch. Trong 5 phiên, giá dầu tăng 2 phiên và giảm 3 phiên, kết thúc tuần ở thế trái chiều với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 19 cent. Sự tăng, giảm của giá dầu vẫn chịu tác động bởi xung đột ở Trung Đông, các chỉ số kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù biến động mạnh trong từng phiên giao dịch nhưng tính cả tuần, giá dầu Brent và WTI gần như đi ngang. Ảnh minh họa: Getty |
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng mạnh hơn 3% khi thị trường lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô toàn cầu. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đến Trung Đông. Trong khi đó, Iran và Hezbollah đã thề sẽ trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy quân sự Hezbollah Fuad Shukr. Nếu Iran tấn công, Mỹ có thể sẽ áp lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, ảnh hưởng đến nguồn cung 1,5 triệu thùng/ngày.
Iran vẫn chưa có hành động nào ngoài lời đe dọa sẽ trả đũa Israel đã đẩy dầu Brent và WTI gần 2 USD ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, một cuộc tấn công của Iran vào Israel trong vòng 24 đến 48 giờ đã không xảy ra. “Thị trường đang loại bỏ khoản phí bảo hiểm rủi ro đó ra khỏi giá dầu thô khiến giá dầu lao dốc”, Flynn nhận xét.
Đà giảm của giá dầu được kéo dài sang phiên giao dịch thứ 3 với mức giảm hơn 1%. Sự trượt dốc này là do tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng 1,4 triệu thùng sau 5 tuần giảm liên tiếp, ngược so với ước tính giảm 2,2 triệu thùng của các nhà phân tích và ngược so với số liệu giảm tới 5,21 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ.
Giá dầu đã không thể lập hat-trick giảm ngày ở phiên giao dịch thứ 4. Dữ liệu kinh tế của Mỹ đã xoa dịu nỗi lo suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều này hỗ trợ giá dầu tăng hơn 1 USD tại phiên này. Chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của Mỹ trong tháng 7 tăng ở mức vừa phải và tốc độ tăng lạm phát hằng năm chậm lại xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 càng củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Tồn kho dầu của Mỹ vẫn là yếu tố tác động đến giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Reuters |
Các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đã đẩy giá dầu trở lại đà giảm. Tại phiên giao dịch thứ 5 và cũng là cuối cùng của tuần, giá dầu trượt dốc gần 2%. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,68 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 76,65 USD/thùng.
Theo Andrew Lipow, chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates, thị trường dầu mỏ đã có một tuần đầy biến động do lo ngại gián đoạn nguồn cung bởi xung đột ở Trung Đông lan rộng, và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.882 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 21.852 đồng/lít. Dầu diesel không quá 19.230 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 19.572 đồng/lít. Dầu mazut không quá 16.245 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 15-8. Giá dầu mazut tăng nhiều nhất, 217 đồng/kg. Dầu diesel tăng ít nhất, 89 đồng/lít. Hai mặt hàng xăng E5 RON 92 và RON 95-III tăng lần lượt là 167 đồng/lít và 179 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 161 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Đây là lần bật tăng đầu tiên của giá xăng dầu trong nước sau 5 lần giảm liên tục.
Theo qdnd.vn