Trong nửa đầu năm, thị phần xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng lên 32,8%, trong khi đó Thái Lan tỏ ra "hụt hơi" khi thị phần giảm xuống còn 66,9%.
Dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 833.670 tấn sầu riêng, trị giá gần 3,97 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nhập khẩu sầu riêng bình quân của Trung Quốc đạt mức 4.760 USD/tấn, tương đương gần 119 triệu đồng/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam và Malaysia giảm, nhưng từ Thái Lan lại tăng.
Trong 6 tháng, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 558.300 tấn, trị giá 2,85 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thị phần sầu riêng của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 76,21% trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 66,97% trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngược lại, quốc gia tỷ dân này lại tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46,3% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273.540 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 23,73% lên 32,81% trong 6 tháng qua.
Ảnh minh họa
"Ngành hàng rau quả Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của trái sầu riêng trong các tháng còn lại năm nay. Việt Nam có lợi thế nguồn cung sầu riêng quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ", Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, cơ quan quản lý cho rằng ngành hàng rau quả Việt Nam cần sớm khắc phục nhược điểm về chất lượng sản phẩm. Theo tin từ Thời báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư "kim loại nặng" vượt mức cho phép.
Về phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung và các vấn đề liên quan tới chất lượng. Sầu riêng được trồng tại một số vùng có thổ nhưỡng không phù hợp dẫn tới chất lượng kém, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Cơ quan quản lý khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp giám sát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung…
Theo dantri.com.vn