Giá dầu tiếp tục ‘nóng’, giá nông sản đồng loạt giảm trước áp lực chốt lời

Thứ 6, 04.10.2024 | 14:23:03
250 lượt xem

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang “nóng” theo căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua (3/10), thị trường năng lượng rực xanh, trong đó, giá dầu tăng vọt hơn 5% và đang hướng lên mốc 80 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại xung đột lan rộng có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu thô toàn cầu. Ở chiều ngược lại, giá nông sản quay đầu đồng loại giảm trước áp lực chốt lời của thị trường. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


“Chảo lửa” Trung Đông “hâm nóng” thị trường dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới ghi nhận đà tăng mạnh trước lo ngại cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông có thể sẽ tiếp tục leo thang sau cuộc tấn công của Iran. Chốt phiên, giá dầu thô WTI tăng 5,15% lên mức 73,71 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 5,03% đạt 77,62 USD/thùng.

Cuộc tấn công bất ngờ của Iran vào Israel vào rạng sáng ngày 2/10 đã đẩy căng thẳng tại khu vực tiếp tục gia tăng. Lo ngại thị trường đang gia tăng về khả năng Israel có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran cho một cuộc trả đũa tới. Lầu Năm Góc cho biết họ đang thảo luận với các quan chức Israel về phản ứng có thể xảy ra đối với cuộc tấn công tên lửa của Iran nhưng từ chối cung cấp chi tiết và để ngỏ khả năng có thể thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu thô của Iran.

Giá dầu tiếp tục ‘nóng’, giá nông sản đồng loạt giảm trước áp lực chốt lời ảnh 1

Iran là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 3% sản lượng toàn cầu. Nếu cuộc chiến giữa hai nước lan rộng, không chỉ nguồn cung từ Iran bị ảnh hưởng mà dòng chảy khoảng 20 triệu thùng/ngày qua eo biển Hormuz, eo biển dưới sự kiểm soát của Iran, cũng sẽ được đặt trong tình trạng báo động.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự leo thang như vậy có thể khiến Iran phong tỏa eo biển Hormuz hoặc thậm chí tấn công cơ sở hạ tầng của các nước có mối quan hệ thân thiết với Mỹ trong khu vực như trong lịch sử diễn ra vào năm 2019. Mặc dù vậy, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã tìm cách trấn an Iran về tính trung lập của họ trong cuộc xung đột do lo ngại rằng bạo lực hơn nữa có thể đe dọa các cơ sở dầu mỏ khu vực.

Ở một diễn biến khác, lực lượng Houthi tiếp tục đưa ra những cảnh báo đối với các tàu thương mại phương tây đi qua Bab El Mandeb. Houthi đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công vào các tàu vượt Biển Đỏ kể từ tháng 11/2023 và cho biết sẽ không dừng lại nếu Israel không chấm dứt các hoạt động quân sự.

Trong khi đó, áp lực nguồn cung từ OPEC khi tình trạng bất ổn làm gián đoạn nguồn cung của Libya và Iraq thực hiện cam kết cắt giảm để bù đắp việc sản xuất vượt kế hoạch, cũng hỗ trợ đà tăng của giá. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bơm 26,14 triệu thùng/ngày vào tháng trước, giảm 390.000 thùng/ngày so với một tháng trước mức thấp nhất trong năm nay.

Giá ngô cắt đứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp

Đi ngược chiều với thị trường năng lượng trong ngày giao dịch hôm qua. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Trong đó, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 quay đầu giảm gần 1% vào hôm qua, khép lại chuỗi 4 phiên liên tiếp tăng giá. Bên cạnh áp lực từ vụ thu hoạch đang diễn ra, thị trường cũng chịu sức ép do lực bán kỹ thuật, sau khi ngô hồi phục mạnh mẽ trong tuần này.

Giá dầu tiếp tục ‘nóng’, giá nông sản đồng loạt giảm trước áp lực chốt lời ảnh 2

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Ukraine, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc từ đầu niên vụ 2024-2025 tới ngày 2/10 của Ukraine đạt 10,65 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 6,68 triệu tấn cùng kỳ vụ trước. Tính riêng trong tháng 10, Ukraine đã xuất đi 197.000 tấn ngũ cốc, so với chỉ 7.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh từ Ukraine đã xóa đi những lo ngại về việc các chuyến hàng từ Biển Đen có thể bị gián đoạn do xung đột địa chính trị, khiến giá chịu sức ép.

Ở chiều ngược lại, trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), USDA cho biết doanh số bán ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/9 đạt 1,68 triệu tấn, tăng vọt gần 215% so với tuần trước. Con số này cũng cao hơn dự đoán của thị trường, cho thấy nhu cầu đối với ngô Mỹ đang ở mức cao dù hoạt động vận chuyển gặp một số bất lợi. Đây là yếu tố đã kìm hãm đà giảm của giá vào hôm qua.

Chuỗi tăng ba ngày liên tiếp của lúa mì đã dừng lại vào hôm qua. Thị trường chịu sức ép ngay từ khi mở cửa và cuối cùng kết thúc với mức giảm hơn 11 cents.

Cuộc đình công của công nhân cảng bờ Đông Mỹ đã bước sang ngày thứ ba. Tổng thống Biden tuyên bố rằng đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa lao động và chủ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán mới sau khi Tổng thống công khai thúc giục tăng lương. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin mới về các cuộc đàm phán. Việc công nhân cảng nghỉ làm, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng, qua đó thúc đẩy lực bán trên thị trường lúa mì.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/gia-dau-tiep-tuc-nong-gia-nong-san-dong-loat-giam-truoc-ap-luc-chot-loi-post834811.html

  • Từ khóa