Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược đặc biệt trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Thế nhưng hiện nay, thị trường xăng, dầu vẫn còn những bất cập đặt ra yêu cầu bức thiết phải sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều hành thị trường xăng, dầu minh bạch, hiệu quả, bám sát nguyên tắc kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng,
Theo hướng giảm sự can thiệp của Nhà nước
Theo tính toán, tổng nguồn xăng, dầu cho tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 27 triệu mét khối/tấn xăng, dầu các loại. Các nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng khoảng 70% tổng nguồn xăng, dầu, còn lại là xăng, dầu nhập khẩu. Nhìn vào những diễn biến bất ổn của thị trường xăng, dầu cuối năm 2022 có thể thấy nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết trong việc quản lý kinh doanh và phân phối xăng, dầu.
Đó là quan hệ lợi ích giữa các chủ thể tham gia kinh doanh trong ngành xăng, dầu chưa minh bạch, tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; chiết khấu cho DN bán lẻ đang phụ thuộc hoàn toàn vào “sự ban phát” của DN đầu mối; tình trạng buôn lậu, hàng giả còn phức tạp; giá cả xăng, dầu có tính điều tiết cao nhưng chưa hợp lý và minh bạch liên quan tới vấn đề quỹ bình ổn...
Hệ thống cung ứng xăng, dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Ảnh: AN SƠN |
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng, dầu thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, một trong những nguyên tắc cơ bản được nêu trong quá trình soạn thảo dự thảo nghị định và đã được Chính phủ thông qua, đó là giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng, dầu của DN; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân...
Về dự thảo nghị định thay thế nghị định về kinh doanh xăng, dầu, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, điểm mới nổi bật là về cơ chế điều hành giá xăng, dầu. Dự thảo nghị định đưa ra công thức giá bán xăng, dầu để DN tự tính toán giá; quy định Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để DN tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Dự thảo quy định việc bình ổn giá xăng, dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Tức là khi giá xăng, dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện. Sau khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Như vậy, điểm mới là quỹ bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, biện pháp bình ổn là có thời hạn. Việc trích hay chi quỹ này phải theo Luật Giá.
Ngoài ra, để tránh việc mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo nghị định quy định thương nhân phân phối xăng, dầu không được mua bán xăng, dầu của nhau, chỉ được mua xăng, dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu (là DN có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường). Dự thảo nghị định cũng tạo ra nhiều cải cách hành chính trong kinh doanh xăng, dầu. Đó là, bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; bỏ điều kiện quy định về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng, dầu do trên thực tế, việc vận chuyển xăng, dầu là công đoạn tất yếu khi DN đưa xăng, dầu lưu thông; bỏ yêu cầu DN cung cấp giấy chứng nhận đăng ký DN trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện...
Tại sao thương nhân phân phối không được mua bán xăng, dầu với nhau?
Đến nay, dự thảo nghị định này đã được Bộ Công Thương nhiều lần lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu, chuyên gia kinh tế... Các ý kiến đánh giá cao quy định liên quan tới giá bán lẻ xăng, dầu; thực hiện bình ổn giá xăng, dầu theo Luật Giá... Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá cao khi tinh thần sửa đổi nghị định lần này đang hướng theo thị trường.
Còn ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, với quy định cho phép DN đầu mối, phân phối tự quyết giá bán lẻ xăng, dầu là một bước tiến mới. Trên cơ sở khung công thức cố định do Nhà nước ban hành, tùy theo biến động giá và tình hình thị trường, DN tự điều chỉnh giá nhưng không vượt quá khung quy định của Nhà nước.
Người dân đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quyền mua bán xăng, dầu giữa các thương nhân phân phối xăng, dầu, dự thảo nghị định đã sửa đổi theo hướng thương nhân phân phối không được mua bán xăng, dầu với nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy thì trái với luật về kinh doanh, không bảo đảm sự công bằng theo nguyên tắc thị trường...
Nhóm thương nhân phân phối xăng, dầu và thương nhân bán lẻ xăng, dầu cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến việc sửa nghị định kinh doanh xăng, dầu. Trong đó, nhóm thương nhân này kiến nghị: Tại sao thương nhân đầu mối được mua bán hàng hóa của nhau, trong khi thương nhân phân phối lại chỉ được hay buộc phải mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau?
Nêu quan điểm về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng, dầu với nhau là đi ngược lại quy luật thị trường. Bởi, các bên trên thị trường bán buôn xăng, dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn. Quan điểm của VCCI là sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng, dầu với nhau.
Nhìn ở góc độ khác, Bộ Công Thương cho rằng, nếu cho phép các DN phân phối lấy chéo xăng, dầu của nhau, hoặc từ nhiều nguồn sẽ không làm tổng lượng xăng, dầu tăng, chỉ có doanh số bán hàng của DN tăng.
Lý giải rõ hơn, bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, việc cho phép thương nhân phân phối xăng, dầu được mua xăng, dầu của nhau như quy định hiện hành tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng chi phí trong khâu này. Đồng thời, việc mua bán xăng, dầu giữa các thương nhân phân phối xăng, dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng, dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng, dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng, dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường...
Bàn về điều hành thị trường xăng, dầu và để hoạt động một cách công khai, minh bạch, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị các cơ quan đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định, đồng thời cho rằng, một trong những quyết định quan trọng mang tính mấu chốt quyết định thành công của nghị định là tuân thủ những nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều hành và các DN nên thành lập sàn giao dịch xăng, dầu, đây là điều phổ biến trên thế giới. Khi có sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng, dầu lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán. Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu về việc lập sàn giao dịch xăng, dầu.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cach-nao-quan-ly-hieu-qua-thi-truong-xang-dau-801299