Để phòng ngừa dịch Covid-19, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng trực tuyến, thanh toán online thay vì đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị.
Theo nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ), trên mỗi đồng tiền mặt có khoảng 3.000 vi khuẩn khác nhau sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, virus gây ra Covid-19 có thể tồn tại ngoài vật chủ tới 9 ngày và bám trên các bề mặt của vật dụng.
Những thông tin này khiến người tiêu dùng lo ngại về phương thức thanh toán truyền thống, bởi tiền mặt có thể trở thành nguồn lây bệnh tiềm ẩn nếu có người nhiễm và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc.
Mua sắm và thanh toán trực tuyến "lên ngôi" trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Theo khảo sát của PV, gần đây, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua các công nghệ thanh toán hạn chế tiếp xúc tối đa như dùng thẻ contactless (không chạm), đặc biệt là qua các ví điện tử trên điện thoại. Bên cạnh đó, trong mùa dịch này, lượng người mua sắm online trên các trang thương mại điện tử cũng gia tăng. Các mặt hàng từ khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay đến đồ điện tử, đồ dùng thiết yếu, đồ gia dụng được nhiều người lựa chọn nhất.
Nhanh chóng, tiện ích, chỉ cần vài phút thao tác trên smartphone, người tiêu dùng có thể chọn lựa các món đồ mà mình cần, vừa tiện lợi, vừa tránh tiếp xúc nơi đông người.
Anh Nguyễn Trọng Hải ở Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, trước đây anh vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi đi mua sắm, nhưng gần đây, lo ngại dịch bệnh, anh đã chuyển sang mua sắm online, giao hàng tận nhà. Còn khi đi mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại thì anh dùng ví điện tử hoặc chuyển khoản, giảm tối đa việc tiếp xúc với tiền mặt.
Có chung tâm lý như vậy, chị Trần Phương Thảo, nhân viên văn phòng làm việc ở Hà Đông chia sẻ, ngày trước, chỉ thi thoảng chị mới sử dụng ví điện tử, phần lớn vẫn dùng tiền mặt để thanh toán. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nghe theo khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông, chị đã chuyển sang dùng ví điện tử hoàn toàn khi thanh toán tại siêu thị hay trung tâm thương mại…
Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như: các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu. Tận dụng điều này, các hệ thống bán lẻ có cơ hội tung ra hàng loạt các dịch vụ mới mẻ, an toàn cho khách hàng.
Chuỗi bán lẻ Vinmart là một trong những đơn vị đón đầu xu thế mua hàng trực tuyến, với việc phát triển tính năng Scan & Go, cho phép khách hàng quét mã sản phẩm muốn mua, tự tạo đơn hàng trực tuyến và thanh toán bằng hình thức tùy chọn.
Ngoài ra, đại gia bán lẻ này cũng hợp tác với các hãng giao vận lớn như: Grab, Go Việt… để vận chuyển tận nhà khách hàng chỉ sau 2 - 4 giờ…
Để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online thay vì giao dịch bằng tiền mặt. Hưởng ứng điều này, một số ngân hàng đã có chính sách không thu phí đăng ký, phí duy trì dịch vụ qua Mobile Banking, Internet Banking… Đây có thể coi là cơ hội để thanh toán điện tử lên ngôi.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, người dân nên chuyển dần sang thanh toán điện tử để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh khi mà dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát và diễn biến phức tạp./.
Chung Thủy/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/mua-dich-covid19-thanh-toan-truc-tuyen-len-ngoi-1020558.vov