Để có thể "triệt tiêu văn mẫu", cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Người chấm cần tôn trọng ý kiến, cách diễn đạt và tuyệt đối không áp đặt cảm xúc của học trò.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Trong đó, đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Trao đổi với Dân Trí, nhà giáo Vũ Thu Hương (giáo viên Ngữ văn tại Hải Phòng) cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng rất thiết thực; nếu toàn ngành giáo dục làm được điều này, triệt tiêu được văn mẫu sẽ là một thành công lớn, tạo nên bước đột phá cho ngành giáo dục.
"Tôi không muốn con tả về ông mình như một người ông xa lạ nào đó"
Có rất nhiều sách văn mẫu để học sinh tại các cấp học tham khảo.
Theo cô Vũ Thu Hương, "văn mẫu" chính là những bài văn được viết sẵn cho những dạng bài có trong chương trình học. Những bài viết đó được học sinh "tham khảo" ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, "văn mẫu" còn được hiểu là những gì mà thầy cô đọc cho trò chép trên lớp. Học sinh không được hiểu sai, không được thắc mắc, thậm chí, bản thân người dạy cũng "không dám" giảng khác với sách giáo viên.
Chính khuôn mẫu này đã dẫn đến những câu chuyện "dở khóc dở cười". Con trai chuẩn bị bước vào lớp 5, phụ huynh Lê Thị Giang (Quảng Ninh) than thở: "Cô giáo cho đề bài tả ông, bà em.
Kiểm tra bài, tôi thấy con tả "ông nội em lưng còng, tóc bạc, răng rụng…" trong khi đó ông ngoài đời vẫn khỏe mạnh, tóc đen, chạy bộ thể dục mỗi ngày. Hỏi tại sao con lại viết như thế, cu cậu nói rằng phải viết như bài mẫu cô hướng dẫn thì mới được điểm cao. Thế là lớp 30 học sinh, cả 30 em đều có người ông với hình hài y hệt. Tôi không muốn con tả về ông mình như một người ông xa lạ nào đó".
Sinh viên Lê Thu Anh (Hà Nội) nhắc lại thời học cấp II, III "nhớ đến vẫn còn sợ" của mình.
"Ngày ấy, học môn Văn, không chỉ dừng lại ở việc học dẫn chứng, chúng tôi còn phải nghe, chép và... học thuộc văn mẫu mà cô phân tích cho.
Thật sự hồi đó tôi thích học văn, nhưng không thể nào nuốt nổi những bài văn "cảm nhận của em, phân tích của em" mà bằng câu chữ, hành văn và cả cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, để đảm bảo được một điểm số "an toàn" thì khó có bạn nào dám viết cảm nhận thật của mình".
Văn mẫu "bóp nghẹt" tư duy của thầy và trò
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Hoàng Văn Đặng (Thái Bình) thẳng thắn nhìn nhận, "văn mẫu" đã và đang trở thành một "căn bệnh" trong giáo dục phổ thông.
"Văn mẫu nằm trong những bài giáo án, tài liệu… của giáo viên. Văn mẫu được các thầy cô đọc cho trò chép những bài văn của tác giả uy tín. Thầy cô nào tâm huyết thì viết và "rập khuôn" học sinh theo những cảm nhận của mình. Thậm chí, văn mẫu còn được hợp thức hóa bằng tài liệu ôn tập mà Sở biên soạn và xuất bản rồi bán cho học sinh cuối cấp; hay nó còn hiện hữu trong chính đáp án của những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp THPT…".
Theo thầy Đặng, việc "rập khuôn" theo văn mẫu sẽ khiến cả thầy và trò trở nên lười biếng, "bóp chết" tư duy, làm mất khả năng khả năng quan sát, khám phá thế giới, con người. Cách đào tạo theo kiểu ép buộc như vậy rất nguy hiểm, nó khiến các em không đủ khả năng để hòa nhập vào môi trường năng động, toàn cầu hóa như ngày nay.
Hơn nữa, văn mẫu còn làm thui chột cảm xúc của người học. Chẳng ai thấy rung động trước vẻ đẹp của con người, cuộc sống qua lăng kính của người khác. Cách học văn hay nhất là phải mắt thấy, tai nghe, tự cảm nhận bằng xúc cảm và thể hiện bằng những câu từ, con chữ. Còn "ăn theo" như một con vẹt, Văn học sẽ trở nên vô nghĩa và dễ bị lãng quên.
Đồng quan điểm, giáo viên Ngữ văn Trần Minh Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, việc học theo văn mẫu còn gây cảm giác chán nản cho người dạy và học.
"Ngày ngày học Văn, học sinh cứ phải nghe và chép, rồi học thuộc. Với người chấm, sự hào hứng "hao mòn" dần khi cứ thấy bài thứ nhất, bài thứ hai, rồi đến thứ mười… giống nhau y đúc. Cứ thế, việc học Văn dần đi vào ngõ cụt".
Cần cải tiến công tác kiểm tra, đánh giá!
Là tổ trưởng môn Ngữ văn, nhà giáo Vũ Thu Hương chia sẻ, để chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu cần một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, bước đầu, mỗi người cần thay đổi nhận thức về "văn mẫu".
"Ranh giới giữa công và tội của văn mẫu rất mong manh. Tôi quan niệm, cho dù văn mẫu là những bài văn hay, cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo, tuyệt đối không được lạm dụng để sao chép y nguyên. Khi đọc văn mẫu, học sinh cần rèn một thói quen chủ động khi tiếp nhận. Đọc văn mẫu để chọn lọc những điều hay, điều tốt từ cách sử dụng ngôn từ, ý tưởng… chứ không phải nhấn chìm "cái tôi" của mình vào đó. Nếu sử dụng văn mẫu đúng cách, nó sẽ trở thành trợ thủ đắc lực".
Cũng theo cô Hương, để có thể "triệt tiêu văn mẫu", cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Điều quan trọng nằm ở việc ra đề. Trên thực tế, đề thi môn Văn dành cho các cấp học vẫn chưa có sự đột phá, nội dung chỉ quanh quẩn là những tác phẩm có trong sách giáo khoa. Với cách ra đề thi như vậy, rất dễ dẫn tới tình trạng "học tủ, học vẹt". Giáo viên chỉ cần cung cấp văn mẫu, tài liệu, học sinh chỉ cần… làu làu học theo.
"Vấn đề đặt ra là nhất định phải thay đổi cấu trúc và nội dung đề kiểm tra môn Ngữ văn sao cho phù hợp với các khối lớp. Nhiều năm trở lại đây, tôi vẫn ấp ủ ý tưởng đưa tác phẩm ngoài sách giáo khoa vào phần nghị luận văn học của đề thi. Dẫu biết rằng việc thay đổi này có phần khó với học sinh và cả giáo viên, tuy nhiên, mọi người cần nên nhìn nhận mặt tích cực của việc này và cố gắng".
Đồng quan điểm, cô giáo Trần Minh Thùy bày tỏ, việc đưa các tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi sẽ phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu của học sinh, chứ không "đóng khung" một cách hàn lâm trong sách giáo khoa. Để làm được điều này, trước hết phải chọn được văn bản thật hay, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi và có độ khó tương đương với những tác phẩm trong sách.
Trong công tác giảng dạy, giáo viên cần dạy học sinh về kỹ năng, đặc trưng của từng thể loại. Khi đó, sách giáo khoa đóng vai trò như một tài liệu chính của việc dạy học. Sau khi nắm vững "tài liệu chính" đó, học sinh có thể xử lý bất cứ dạng dữ liệu nào với độ khó tương đương.
Người chấm cần chấp nhận sự khác biệt trong cách diễn đạt, dùng từ, nhất là góc độ quan sát, cách cảm, cách nghĩ khi làm Văn của các em học sinh.
Đưa ra một góc nhìn khác, thầy giáo Hoàng Văn Đặng cho hay, bên cạnh khâu ra đề, cần chú trọng và đổi mới công tác chấm điểm môn Ngữ văn.
"Theo tôi, cần "cải cách" về đáp án chấm điểm môn Ngữ văn. Đáp án chỉ nên đặt ra yêu cầu về chính tả, ngữ pháp… Còn những nội dung cảm nhận trong bài làm văn, cần tránh tình trạng "đếm ý cho điểm" như trong những barem điểm hiện có.
Mỗi học trò sẽ có cho mình một cái nhìn riêng. Do đó, khi chấm điểm, thầy cô cần tôn trọng ý kiến, cách diễn đạt của học trò; nếu các em cảm nhận, nêu ý kiến, trình bày mà hợp lý vẫn cần được tôn trọng và cho điểm tối đa".
Kiều Phương/dantri.com.vn