Không nên chọn nghề theo tiêu chí kiếm được nhiều tiền!

Thứ 2, 23.08.2021 | 08:00:19
1,266 lượt xem

Theo các chuyên gia, không nên chọn nghề theo tiêu chí kiếm được nhiều tiền vì thu nhập nhiều hay ít không phụ thuộc vào nghề nghiệp mà phụ thuộc vào kỹ năng nghề và sức lao động của từng cá nhân.

Chọn nghề phải phù hợp bản thân

Dự kiến ngày 23/8, TPHCM công bố điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 thường. Nhưng dù điểm chuẩn như thế nào thì với hơn 83.000 học sinh lớp 9 đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu năm 2021 của TPHCM chỉ gần 68.000 thì sẽ có hơn 15.000 em rớt lớp 10 công lập.

15.000 học sinh lớp 9 này sẽ có 2 con đường lựa chọn là tiếp tục theo học văn hóa THPT tại các trường quốc tế, trường tư thục; hay đi theo con đường học nghề.

Đa phần các em có lựa chọn du học, học trường quốc tế, trường tư thục với mức học phí cao đều là những gia đình khá giả, có định hướng ngay từ đầu và không đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập.

Số em đăng ký xét tuyển vào trường công lập thường thuộc nhóm học sinh khá giỏi hoặc gia đình kinh tế khó khăn, cố gắng xét tuyển để vào trường công nhằm giảm chi phí học tập.

Do đó, các em có điểm số thấp, khó hy vọng vào lớp 10 công lập đã bắt đầu tính toán con đường học nghề, xin tư vấn trên các diễn đàn về việc chọn học nghề gì để có công việc tốt, kiếm nhiều tiền?

Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN), không nên chọn nghề theo tiêu chí là kiếm được nhiều tiền, vì thu nhập nhiều hay ít không phụ thuộc vào nghề nghiệp mà phụ thuộc vào kỹ năng nghề và sức lao động của từng cá nhân.

Không nên chọn nghề theo tiêu chí kiếm được nhiều tiền! - 1

Chọn nghề phải ưu tiên phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng, tư vấn: "Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và điều kiện kinh tế của từng gia đình".

"Bởi có đủ năng lực và sự say mê với nghề thì trên con đường học tập, hay trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp trở ngại, các em sẽ nỗ lực để vượt qua, thay vì buông xuôi!", Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh giải thích.

Ưu tiên nghề khó bị robot thay thế

Theo bà Ánh, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng về ngành nghề và trình độ. Do đó, học sinh có thể yên tâm chọn ngành nghề, trường học phù hợp sở thích và năng lực, không lo ra trường không có việc làm. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phải cân nhắc thật kỹ để chọn đúng nghề phụ hợp với mình.

Hiệu phó trường Trung cấp Lê Thị Riêng nói: "Việc chọn đúng nghề để học tập không chỉ giúp cho các em kiếm được thu nhập mà còn là môi trường giúp các em tỏa sáng và phát triển bản thân mình!".

Tuy nhiên, với trình độ nghề trung cấp, các chuyên gia GDNN khuyên nên cân nhắc khi định học những nghề đang phát triển theo hướng tự động hóa. Vì trong tương lai gần, nhân lực ngành này dễ bị thay thế bởi các robot.

Thạc sĩ Tạ Xuân Bình, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng: "Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, ngày càng có nhiều công việc mà robot, phần mềm thay thế con người thực hiện".

Do đó, ông tư vấn một số ngành nghề thường có nhu cầu công việc cao, ít bị thay thế bởi robot như: nhóm nghề sức khỏe (dược, điều dưỡng); nhóm công việc sửa chữa dân dụng (điện lạnh, điện dân dụng, xây dựng dân dụng); nhóm nghề sử dụng nền tảng công nghệ (kỹ thuật sửa chữa ô tô, kỹ thuật lập trình, quản trị và bảo mật mạng máy tính)…

Hiệu phó trường Trung cấp Lê Thị Riêng thì tư vấn riêng cho các em học sinh nữ một số nghề phù hợp với nữ giới và cũng rất khó bị robot thay thế như: chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn, may thời trang, kế toán doanh nghiệp…


Tùng Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/khong-nen-chon-nghe-theo-tieu-chi-kiem-duoc-nhieu-tien-20210822221332198.htm

  • Từ khóa