Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo "dư dả" nhờ chăm chỉ làm thêm

Thứ 2, 23.08.2021 | 08:00:13
1,162 lượt xem

Giữa những ngày giãn cách, thay vì "giam mình" trong 4 bức tường, nhiều sinh viên HV Báo chí & Tuyên truyền đã làm thêm với các nghề viết báo, làm bánh, gia sư...

Viết "đam mê" giữa những ngày giãn cách

Không chấp nhận khoảng thời gian giãn cách trôi qua một cách vô nghĩa, Nguyễn Phương Thúy (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã áp dụng những kiến thức học được trên giảng đường để tham gia viết content.

"Đây là công việc phù hợp với những người có niềm đam mê với viết lách hoặc có năng khiếu câu từ. Đặc biệt, công việc này cũng không yêu cầu về không gian, thời gian; mọi thứ có thể ứng biến linh hoạt, không lo ngại việc có dịch hay không".

Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 1

Sinh viên Nguyễn Phương Thúy.

Không chỉ giúp thỏa mãn đam mê, công việc viết content còn đem lại cho nữ sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu nhập đáng kể. "Mỗi bài mình sẽ nhận được khoảng 200-300 nghìn đồng/bài hoặc có thể cao hơn", Phương Thúy tâm sự.

Là một người trẻ đam mê xê dịch và trải nghiệm, Đỗ Phương Anh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ, những ngày Hà Nội giãn cách khiến Phương Anh cảm thấy hơi ngột ngạt và tù túng.

Song, sau một khoảng thời gian ngắn, Phương Anh đã "xốc" lại tinh thần và tìm cách để thích nghi với nhịp sống mùa dịch.

"Hơn một năm qua, cùng với việc đến giảng đường, mình có tham gia viết content, lên ý tưởng cho một hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp nên công việc của mình đã chuyển qua hình thức trực tuyến".

Theo đó, thay vì trực tiếp tới công ty làm việc, mùa dịch này, Phương Anh làm việc "tại gia". Công việc hằng ngày của cô xoay quanh việc viết lách, lên ý tưởng cho những chương trình, khóa học tập cho các bạn học sinh.

"Làm việc tại nhà buồn lắm, vì không được gặp gỡ hay trực tiếp trò chuyện. Lương của mình cũng bị cắt giảm do tình hình dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, với mình, có một công việc để làm, để thỏa mãn đam mê, lại có một khoản thu nhập đủ để chi tiêu theo sở thích, thực sự là một niềm hạnh phúc rồi" - Phương Anh tâm sự.

Thỏa mãn giấc mơ "làm báo"

Mong muốn trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm, một phần tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân trong mùa dịch, sinh viên Nguyễn Văn Hiền (chuyên ngành Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã tìm cho mình một công việc liên quan đến viết lách, đó là cộng tác viết bài cho tòa soạn báo.

Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 2

Bên cạnh tham gia cộng tác báo, Văn Hiền còn đảm nhận dạy thêm môn Ngữ văn cho các em học sinh.

"Khác với nhiều sinh viên chỉ ở nhà học, với công việc viết báo, mình vừa được học, lại có thêm những trải nghiệm, đồng thời lại có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp bản thân, gia đình trong mùa dịch đầy khó khăn".

Song song với việc cộng tác viết bài, Văn Hiền còn tham gia dạy thêm cho các em nhỏ có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức Ngữ văn.

"Viết báo và làm gia sư môn Ngữ văn là hai công việc đã gắn bó với mình trong suốt mùa dịch qua. Bản thân mình nhận thấy, việc chọn một công việc phù hợp với năng lực và trình độ sẽ giúp bản thân vừa có thêm thu nhập lại có kinh nghiệm, kỹ năng sống rất tốt".

Giống với Văn Hiền, thay vì cảm giác nhàm chán, những ngày "ở nhà trốn dịch" của Trần Kiều Phương (sinh viên năm 4, chuyên ngành Báo in, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng trở nên bận rộn với công việc cộng tác viết báo.

Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 3

Những ngày nghỉ dịch của Phương trở nên bận rộn và thú vị hơn nhờ công việc viết lách.

"Là sinh viên trường Báo, ước mơ của mình là trở thành một phóng viên. Do đó, việc cộng tác viết bài cho tòa soạn báo được coi là bước đệm, giúp mình có thêm kinh nghiệm, kỹ năng để từng bước thực hiện giấc mơ lớn".

Kiều Phương cho biết, khó khăn nhất là bước tìm đề tài và thực hiện phỏng vấn. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, phần lớn sinh viên này đều kết nối với nhân vật, nguồn tin theo hình thức trực tuyến.

"Mình quan niệm, nghề nào cũng có nhọc nhằn, vất vả riêng. Tuy nhiên, sau những khoảnh khắc khó nhọc, mình sẽ đổi lại được niềm vui khi thấy tác phẩm do chính tay mình viết được đăng tải và chia sẻ với công chúng. Công việc này còn đem lại cho mình nguồn thu nhập, mặc dù không quá lớn".

Làm "ông chủ" giữa mùa dịch

Giữa làn sóng dịch Covid-19, nhiều cửa hàng phải đóng cửa, thậm chí đi vào con đường phá sản. Tuy nhiên, ngay tại chính thời điểm này, Khúc Duy Linh (sinh viên năm 2, chuyên ngành Quản lý hành chính nhà nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là "khởi nghiệp" với thương hiệu bán đồ ăn online mang tên KDL Food.

Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 4

Sinh viên Khúc Duy Linh "khởi nghiệp" với ý tưởng bán đồ ăn online giữa mùa dịch.Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 5

Linh tự xây dựng kế hoạch và tham gia trực tiếp vào quá trình bán, vận chuyển đồ ăn cho khách hàng.

Duy Linh chia sẻ, ý tưởng mở thương hiệu bán đồ ăn online đến một cách rất tình cờ.

"Nhà ngoại mình ở dưới Hải Phòng, có truyền thống làm bếp, nấu ăn và còn bán "đặc sản" bánh mì que và bánh mì pate. Và rất tự hào khi hương vị bánh mì que và pate của nhà mình may mắn được đầu bếp Masterchef Luke Nguyen đến ăn thử và ghi hình cho đài bên Úc; từ đó khách hàng tại Việt Nam và ngoại quốc biết đã biết đến món ăn này nhiều hơn.

Khi đó mình chỉ suy nghĩ đơn giản là trên Hà Nội thì chưa ai tạo nên một thương hiệu bán bánh mì que hay pate có phong cách hiện đại dành cho các bạn trẻ.

Từ sự quan sát đó, ý tưởng thành lập thương hiệu KDL Food đã nảy ra trong suy nghĩ của mình".

Ở nhà trốn dịch, nhiều SV trường Báo dư dả nhờ chăm chỉ làm thêm - 6

Linh tự hào khi món bánh mì que "gia truyền" được đầu bếp Masterchef Luke Nguyen đến ăn thử và ghi hình cho đài Úc.

Với ý tưởng này, chàng sinh viên năm 2 đã tự tay lên kế hoạch, tìm hiểu từ khâu nhỏ nhất như: túi giấy đóng hàng, logo, cách marketing mặt hàng ra sao, quản lý trên hệ thống như thế nào, rồi trả lời tin nhắn cuộc gọi của khách, tự đi ship dù thời tiết có khắc nghiệt như nào đi nữa…

Sự tận tâm, kết hợp cùng sản phẩm chất lượng đã giúp thương hiệu KDL Food của nam sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thu hút được nguồn khách lớn. Từng bước, Duy Linh trở thành một "ông chủ nhỏ" giữa mùa dịch Covid-19.

Làm thêm nhưng không xao nhãng học hành

Mặc dù đảm nhận hai công việc cùng lúc, vừa cộng tác viết báo, vừa làm gia sư, song sinh viên Nguyễn Văn Hiền chia sẻ, điều này không đồng nghĩa với việc xao nhãng học hành.

"Mình vẫn luôn cân bằng giữa việc làm, việc học. Điều này được minh chứng bằng việc, năm học vừa qua, điểm số trung bình chung mình đạt được là 4.0, xếp loại học tập Xuất sắc. Năm học này, mình sẽ cố gắng để giữ được phong độ trong việc học, đồng thời viết được nhiều tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn hơn nữa".

Là sinh viên năm cuối, Kiều Phương cho hay, dù làm thêm song cô không cho phép bản thân lơ là chuyện học tập. Do đó, Phương luôn có cho mình một thời gian biểu để có thể vừa học, vừa làm.

Theo đó, mỗi buổi sáng, Phương vẫn tham gia học trực tuyến, làm đủ số lượng bài tập mà giảng viên giao. Đối với công việc, khi tìm được những đề tài hay, hấp dẫn, sinh viên này sẽ nhanh chóng thu thập, xử lý thông tin và viết bài.

"Học và làm chiếm khá nhiều thời gian, song mình vẫn không quên dành tặng cho bản thân những phút giây thư giãn bằng cách trồng cây, làm vườn hay chơi đùa cùng vật nuôi.

Mình nghĩ, những ngày dịch bệnh, các bạn trẻ nên giữ tinh thần lạc quan và biết đặt ra kế hoạch phù hợp. Nếu không thể kiếm tiền, các bạn vẫn có thể nạp thêm cho mình những kiến thức còn thiếu sót, hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng. Hãy làm những gì mình yêu để những ngày giãn cách không trôi qua lãng phí".


Hồng Phúc/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/o-nha-tron-dich-nhieu-sv-truong-bao-du-da-nho-cham-chi-lam-them-20210822152354646.htm

  • Từ khóa