Bức thư tay hơn 800 chữ nắn nót viết tay, gói trọn tâm tư, tình cảm và những trăn trở của cô giáo Hồng Cẩm gửi tới học sinh trước thềm năm học mới nhận được sự chia sẻ, "thả tim" từ nhiều người.
Liên hệ với cô Phan Thị Hồng Cẩm (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh), cô chia sẻ: "Mình đơn thuần chỉ nghĩ viết để giãi bày tâm trạng chứ không bao giờ ngờ đến lại được mọi người dành nhiều tình cảm yêu mến như vậy. Mình công tác tại trường đến nay hơn 14 năm nên nơi đây thân thuộc như gia đình của mình. Đặt bút xuống dòng suy nghĩ cứ thế ào ạt chảy ra, cứ như đang viết cho người thân yêu.
Bức thư tay phủ kín 3 mặt giấy A3 gói trọn những tâm tình mà cô Cẩm muốn nhắn gửi đến các em học sinh trước thềm năm học mới.
Bức thư mang khá nhiều thông điệp mà mình muốn gửi gắm. Đầu tiên mình nghĩ đến bối cảnh hiện tại, khi năm học mới sắp bắt đầu mà tình hình dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp. Mình cũng muốn gửi gắm niềm tin, hy vọng tươi sáng và trách nhiệm cho năm học mới và mong học sinh sẽ đạt được những mục tiêu, ước mơ riêng dù thực tế có khó khăn đến đâu".
"Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google Meet, Zalo, Facebook"
Cũng như nhiều giáo viên khác, lúc này, cô Cẩm chỉ mong được dạy offline như những năm học trước. Nhưng tình hình dịch bệnh khiến thầy cô, học sinh buộc phải học cách thích nghi với thực tế.
Với phương châm: "Cần phải làm ngay một điều gì đó cho những ngày Covid đừng qua đi trong chậm chạp và mệt mỏi", bức thư của cô Cẩm như một lời động viên nhẹ nhàng để các em học sinh xốc lại tinh thần cho chặng đường mới nhiều thử thách.
Cô thủ thỉ cùng học sinh: "Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn lại về kĩ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Mỗi bài học có thể đặt ở các tình huống khác nhau: offline - online 75% - online 50% - online 25%... Điện thoại của các thầy cô lâu lâu lại sáng lên vì những thông báo cập nhật mới của trường thay đổi từng ngày, từng buổi.
Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google Meet, Zalo, Facebook… Ngay từ bây giờ, hãy xác lập thói quen thích nghi với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống. Đừng ngại ngần với công nghệ. Hãy chịu khó tự học những thứ chúng ta chưa biết, các em nhé".
Một năm học mới với nhiều thử thách, nhưng tất cả sẽ nhẹ bẫng nếu thầy cô và học sinh cùng quyết tâm, cố gắng.
Bên cạnh đó, cảm xúc rưng rưng, nghẹn ngào của cô khi nhắc đến TPHCM những ngày dịch căng thẳng khiến nhiều người đồng cảm. "Dịch bệnh đang rất căng thẳng, chúng ta vẫn đang cảm nhận rất rõ về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng triệu triệu con tim và khối óc đang gồng mình chống dịch với niềm tin mãnh liệt.
Khi TPHCM bước vào ngày đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm để siết chặt giãn cách thành phố. Khi màn đêm đang lặng yên, khi chúng ta đang chìm vào giấc ngủ thì lễ xuất quân âm thầm để kịp "thời khắc lịch sử" của thành phố này diễn ra vào đêm 22/8. Khi mà hàng nghìn quân nhân, y bác sỹ, chiến sỹ của Học viện Quân y đã đặt chân vào mảnh đất miền Nam ruột thịt… Chúng ta hãy học cách biết ơn và đây là lúc cô trò chúng ta phải tiếp tục hành động", cô viết.
Ngoài ra, cô cũng không quên gửi lời động viên tới các bạn học sinh cuối cấp: "Khi mà các anh chị vừa tốt nghiệp THPT với những điểm số đáng tự hào đang chờ đợi cho chặng đua tiếp theo thì các em hãy chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa mới nhé! Dù có thể không gặp nhau trực tiếp trên giảng đường thì cô tin rằng chúng ta vẫn luôn cùng chung một chí hướng, chung một bầu trời ước mơ và nhiệt huyết cháy bỏng".
Các em hãy là những "chiến sĩ" yêu nước trên mặt trận văn hóa
Trong lá thư nắn nót viết lúc nửa đêm, cô Cẩm cũng cẩn thận dặn dò học trò: "Ngoài sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ; quần áo giản dị, sạch sẽ; nước uống thường xuyên; khẩu hiệu 5k…, các em hãy thiết lập giúp cô một đường truyền. Đường truyền của niềm tin, của đam mê, của bản lĩnh và trí tuệ. Mỗi chúng ta sẽ là một "sợi truyền" để giữ lửa.
Những khoảnh khắc bình dị sẽ lưu thành kỷ niệm ngọt ngào.
Hãy nhìn sang bên cạnh các em, những bạn chưa có máy tính, không có smartphone, nếu vẫn chưa đến trường được, hãy hỗ trợ các bạn ấy. Bên cạnh chúng ta, nếu có bạn nào từ vùng dịch trở về, hãy tìm cách kết nối an toàn, để bạn không bị lỡ nhịp… Vốn dĩ, cô biết các em là những đứa trẻ biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương những ai khốn khổ hơn mình… Đó là cách để các em, các thầy cô thiết lập những đường truyền đấy các em ạ.
Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền rồi, cô tin rằng chẳng có một con virus nào có thể hạ gục nổi chúng ta. Hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa. Hãy không ngừng học tập và sáng tạo… chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận và không có con virus nào có thể xâm nhập được".
Suốt những năm tháng "cầm phấn viết bảng", cô giáo trẻ luôn đề cao sự nhẫn nại, sẻ chia, yêu thương trong cách truyền đạt tri thức. Cô dạy học trò hiểu được giá trị làm người, sống tốt trước khi làm người tài giỏi. Cô Hồng Cẩm chú tâm rèn kỹ năng, để học sinh thoải mái phát triển năng lực. Cô dạy học bằng tất cả niềm tự hào, năng lượng tích cực, tình yêu thương và trách nhiệm của một người giáo viên nhân dân.
Học Văn chính là học làm người
Trở thành giáo viên là niềm hãnh diện lớn nhất mà cô Hồng Cẩm hài lòng nhất cho đến thời điểm hiện tại. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, ngay từ nhỏ cô đã nuôi ước mơ lớn lên trở thành "người lái đò chở học trò sang sông".
Quan điểm sống của cô giáo Hà Tĩnh là: "Hãy sống tốt, làm gương bằng lối sống giản dị, chân thành. Học Văn là học làm người". Cô hiểu được tâm lý và cố gắng rèn giũa học sinh bằng cách riêng của mình.
"Song song với dạy kiến thức, mình thường tổ chức cho học sinh tự trao đổi, chia sẻ với nhau. Mình cũng không ngần ngại chia sẻ bài viết của cô để các em đọc, cảm nhận, thậm chí là góp ý với góc nhìn từ các em. Ngoài ra, mình thường viết thư riêng cho học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh của các em để có cách xử sự phù hợp. Mình nghĩ mối quan hệ cô - trò sẽ bền chắc khi được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành, yêu thương.
Mai Linh - học sinh lớp 11A1 bày tỏ niềm xúc động khi đọc những dòng thư đầy ắp tình cảm mà cô Cẩm nhắn gửi học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Sau khi đọc những "lời gan ruột" từ cô giáo, Nguyễn Mai Linh (học sinh lớp 11A1) chia sẻ: "Em đã đọc đi đọc lại bức thư rất nhiều lần và cảm thấy xúc động trước những tâm tư, tình cảm mà cô giáo gửi gắm cho chúng em trước khi năm học mới sắp bắt đầu. Em hiểu được cái tâm, sự lo lắng chân thành mà cô dành cho chúng em. Bức thư cũng là sự động viên, khích lệ học sinh cần cố gắng nhiều hơn để học tốt trong mọi hoàn cảnh. Và đặc biệt, cô luôn hướng học sinh đến một lối sống đẹp, biết sẻ chia và thấu hiểu cùng nhau".
Còn thầy Trần Xuân Phượng (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) thì cho biết: "Cô Cẩm luôn nhận được sự yêu quý của học sinh và đồng nghiệp trong trường. Cô dạy dỗ, chăm lo học sinh bằng sự chân thành và kiến thức chuyên môn vững vàng. Cô Cẩm cũng là một trong những giáo viên có năng lực, chuyên môn cao của trường".
Cô Cẩm cho rằng, chỉ cần đủ yêu thương và nhiệt huyết thì làm mọi việc sẽ có kết quả tốt.
Tuệ Nhi/dantri.com.vn